Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật
Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động mà người lao động đã có công việc mới, đóng bảo hiểm xã hội trước khi khởi kiện vụ án lao động hoặc trước khi Tòa án xét xử thì ngày người lao động không được làm việc quy định tại Điều 41 BLLĐ năm 2019 được hiểu là tính đến ngày Tòa án ra bản án hay đến ngày người lao động có công việc mới? (Bạn Hoàng Hải Hà ỏ Hoàng Mai, Hà Nội hỏi).
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý.
Bộ luật lao động 2019.
Các nội dung cần chú ý
Khoản 1 Điều 41 BLLĐ năm 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:
Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định chi tiết hoặc hướng dẫn về cách tính những ngày người lao động không được làm việc trong trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, có thể tham khảo cách tính những ngày người lao động không được làm việc tại Giải đáp số 6183/VKSNDTC-V14 ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp vướng mắc về pháp luật dân sự, hành chính như sau:
Trường hợp người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nhưng họ đã có công việc mới, đóng bảo hiểm xã hội trước khi khởi kiện hoặc trước khi Tòa án xét xử thì những ngày người lao động không được làm việc trong quy định trên được hiểu là tính đến ngày người lao động có công việc mới.
Về bản chất, khoản tiền người sử dụng lao động phải trả cho người lao động trong những ngày người lao động không được làm việc trong trường hợp này là khoản tiền bồi thường thiệt hại cho người lao động bị giảm thu nhập do hành vi trái pháp luật của người sử dụng lao động gây ra. Trong khi đó, về nguyên tắc, pháp luật luôn đòi hỏi chủ thể có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình. Việc tính những ngày người lao động không được làm việc đến ngày Tòa án ra bản án có thể dẫn đến việc người lao động lợi dụng quy định, cố tình không tìm việc làm mới để được người sử dụng lao động bồi thường.
Do vậy, chúng tôi cho rằng nội dung giải đáp trên của Vụ 14 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là có cơ sở và có thể vận dụng để giải quyết câu hỏi của bạn./.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn