Bạn đang ở đây

Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư tại Việt Nam qua hình thức nào?

19/05/22 10:55:07 | Lượt xem: 33
Thời gian đọc: 17 Phút
Hiện nay, với chính sách thu hút của Chính phủ, nhu cầu đầu tư vào thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Vậy muốn thực hiện đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư sẽ được thực hiện thông qua hình thức nào?

Kính chào luật sư, tôi có người bạn là công dân của Vương quốc Anh, hiện nay anh bạn này đang có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, người bạn và tôi không biết đầu tư vào Việt Nam sẽ được thực hiện thông qua hình thức nào? Vậy, luật sư tư vấn, giải đáp cho tôi vướng mắc trên. Xin cảm ơn luật sư!

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại điều 23 Luật Đầu tư 2020 thì Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư vào Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:

1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

2. Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

3. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.

Quy định này đã được hướng dẫn cụ thể tại chương V Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Đầu tư. Cụ thể:

Điều 63. Thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài

1. Trừ trường hợp quy định tại Điều 67 Nghị định này, nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế và thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục sau:

a) Trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư mới và thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;

b) Trường hợp nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong trường hợp dự án đó không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong trường hợp dự án đó đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) và thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

3. Vốn điều lệ của tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án đầu tư không nhất thiết phải bằng vốn đầu tư của dự án đầu tư. Tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập thực hiện góp vốn và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Điều 64. Thực hiện dự án đầu tư và hoạt động đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

1. Trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới ngoài dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục sau:

a) Tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Nghị định này;

b) Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại khoản 5 Điều 72 của Luật Đầu tư. Nội dung báo cáo gồm: Tên dự án đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện, nhu cầu về lao động, ưu đãi đầu tư (nếu có).

2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quyền điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh mà không nhất thiết phải có dự án đầu tư. Việc bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài (nếu có).

3. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính mà không nhất thiết phải có dự án đầu tư. Hồ sơ, trình tự và thủ tục lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

4. Khi đầu tư, giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán về thủ tục đầu tư, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ.

Tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định Luật Đầu tư. 
(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Điều 65. Điều kiện, nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

1. Nhà đầu tư trong nước đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam thực hiện theo các điều kiện, thủ tục quy định tại Luật Doanh nghiệp và pháp luật tương ứng đối với từng loại hình tổ chức kinh tế.

2. Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trên thị trường chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

3. Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải tuân thủ điều kiện, thủ tục theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan khi thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế hoặc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác.

4. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư, gồm:

a) Các điều kiện về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật Đầu tư và các Điều 15, 16 và 17 của Nghị định này;

b) Điều kiện về bảo đảm quốc phòng, an ninh và điều kiện sử dụng đất đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong trường hợp tổ chức kinh tế đó có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trừ tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được thành lập theo quy định của Chính phủ.

5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài nhận cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam thông qua hợp đồng trao đổi, tặng cho, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc thừa kế phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 4 Điều này và thực hiện thủ tục theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

Điều 66. Thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đối với nhà đầu tư nước ngoài

1. Trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật Đầu tư, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

2. Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về đăng ký doanh nghiệp của tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; ngành, nghề kinh doanh; danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập, danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có);

Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trước và sau khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; giá trị giao dịch dự kiến của hợp đồng góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thông tin về dự án đầu tư của tổ chức kinh tế (nếu có);

b) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;

c) Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với cổ đông hoặc thành viên của tổ chức kinh tế đó;

d) Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 65 Nghị định này).

3. Đối với trường hợp quy định tại các điểm a và b khoản 2 Điều 26 của Luật Đầu tư, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Đầu tư, khoản 4 Điều 65 của Nghị định này và thông báo cho nhà đầu tư, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Văn bản thông báo được gửi cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

4. Trường hợp tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục sau:

a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về việc đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b khoản 4 Điều 65 của Nghị định này;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan đăng ký đầu tư, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; quá thời hạn yêu cầu mà không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý việc đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư, khoản 4 Điều 65 của Nghị định này và căn cứ ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thông báo cho nhà đầu tư. Văn bản thông báo được gửi cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

5. Sau khi nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là thành viên, cổ đông của tổ chức kinh tế được xác lập khi hoàn tất thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông.

Nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam này càng tăng. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Điều 67. Thủ tục thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

1. Trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo để thực hiện dự án đầu tư quy định tại khoản 8 Điều 19 Nghị định này hoặc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo thực hiện dự án đầu tư quy định tại khoản 8 Điều 19 của Nghị định này, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục như quy định đối với nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp mà không phải thực hiện thủ tục tương ứng quy định tại các Điều 22 và 26 của Luật Đầu tư và các Điều 63, 64, 65 và 66 của Nghị định này.

2. Khi thành lập doanh nghiệp chỉ nhằm mục đích quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc góp vốn vào quỹ này, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục theo quy định tương ứng của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà không phải thực hiện thủ tục quy định tại các Điều 22 và 26 của Luật Đầu tư và các Điều 63, 64, 65 và 66 của Nghị định này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
 

Tin tức liên quan