Bạn đang ở đây

mua bán thông tin cá nhân

Hành vi sử dụng, mua bán trái phép thông tin cá nhân thì bị xử lý thế nào?

Thời gian đọc: 5 Phút
Hiện nay một số đối tượng có thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để mua bán, sử dụng vào các hoạt động trái phép. Pháp luật Việt Nam quy định chế tài xử phạt hành vi này như thế nào?

Bố tôi do bị một số cá nhân lừa dối qua mạng nên đã gửi hình ảnh chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu bản gốc cho đối tượng đó, sau đó chúng đã sử dụng những thông tin đó để thực hiện vay tiền dưới tên của bố tôi. Tôi muốn hỏi, hành vi sử dụng, mua bán trái phép thông tin cá nhân sẽ bị xử lý như thế nào?

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Hành vi mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân mà không được phép của chủ sở hữu thông tin là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Người có hành vi mua bán dữ liệu điện tử chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 5 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử:

Điều 102: Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
1.    ….
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông;
b) Che giấu tên, địa chỉ điện tử của mình hoặc giả mạo tên, địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn.

Ngoài ra còn bị tước Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 tháng đến 24 tháng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm.

Tùy vào mức độ nặng nhẹ của vấn đề mà những đối tượng chiếm đoạt thông tin cá nhân có thể bị xử lý theo Khoản 5 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP hoặc Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015. Ảnh: Internet. 

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 (Bổ sung và sửa đổi năm 2017):

Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, tùy vào mức độ nặng nhẹ của vấn đề mà những đối tượng chiếm đoạt thông tin cá nhân có thể bị xử lý theo Khoản 5 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP hoặc Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 (Bổ sung và sửa đổi năm 2017).

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn