Xin chào luật sư! Năm 2012 vợ chồng tôi kết hôn do công việc đặc thù nên chồng tôi thường phải đi công tác xa nhà có khi cả vài tháng mới về. Gần đây tôi thấy chồng tôi có một vài biểu hiện lạ tôi nghi ngờ chồng tôi quen người phụ nữ khác do đó tôi đã thuê người lắp định vị vào xe ô tô của chồng tôi để tiện theo dõi. Qua nói chuyện với một số người bạn, họ có trao đổi với tôi đó là hành vi vi phạm pháp luật. Tôi rất hoang mang, lo sợ.
Xin hỏi luật sư: Hành vi trên của tôi có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào?
Xin cảm ơn!
Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
Hiến pháp năm 2013
Bộ luật dân sự năm 2015
Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
Trong quan hệ hôn nhân, nhiều người cho rằng tất cả mọi thứ đều là của chung, từ tài sản, trách nhiệm, hạnh phúc,… tuy nhiên điều này không đồng nghĩa bạn có thể thoải mái gắn định vị theo dõi chồng
Theo quy định tại Điều 21, Hiến pháp 2013 quy định:
“Điều 21.
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”
Việc ngoại tình đúng là là một điều tiêu cực, tuy nhiên thực tế việc một người đi đâu, làm gì lại thuộc về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của họ và pháp luật bảo vệ quyền giữ những bí mật này.
Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 38 Bộ Luật dân sự 2015 cũng có quy định cụ thể như sau:
“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.”
Việc gắn chip định vị vừa là hành vi thu thập thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, vừa xâm phạm việc đảm bảo an toàn, bí mật đối cơ sở dữ liệu của cá nhân nếu nó được chuyển thành dữ liệu điện tử, chính vì vậy về cơ bản đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật!
Khi một người thực hiện hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người khác Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định:
“Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;
b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;
c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;
đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
đ) Làm nạn nhân tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu đủ cơ sở xác định hành vi thu thập vị trí của chồng chính là "hành vi khác" xâm phạm bí mật, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bạn về tội này!
Như vậy từ một hành vi đơn giản, hình phạt mà bạn phải nhận có thể lên đến hàng chục triệu đồng hoặc nặng nề hơn là phải ngồi tù!
Trên thực tế, không ít trường hợp gắn chip theo dõi, nghe lén, quay trộm người khác đã bị xử lý trách nhiệm hình sự. Kể cả vì mục đích gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải tôn trọng quyền riêng tư của chồng
Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn