Bạn đang ở đây

Khách hàng tiêm filler bị biến chứng, cơ sở thẩm mỹ phải chịu trách nhiệm gì?

18/05/22 14:48:14 | Lượt xem: 843
Thời gian đọc: 6 Phút
Khách hàng sau khi tiêm filler thẩm mỹ bị biến chứng nhập viện trong tình trạng nguy kịch, buộc phải dùng ECMO (tim phổi nhân tạo). Trong trường hợp này, cơ sở thẩm mỹ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bệnh.

Tôi có thực hiện tiêm filler tại một cơ sở thẩm mỹ, sau khi tiêm tôi bị biến chứng phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Tôi muốn biết trong trường hợp này chủ cơ sở thẩm mỹ nơi tôi thực hiện tiêm filler phải chịu trách nhiệm pháp luật như thế nào?

Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi tư vấn về Hongbach.vn. Với nội dung câu hỏi của bạn, Luật sư Công ty Luật Hồng Bách có quan điểm tư vấn như sau:

Theo quy định tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP, hình thức tổ chức của cơ sở khám, chữa bệnh liên quan đến thẩm mỹ bao gồm: Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

Để thực hiện hoạt động thẩm mỹ các cơ sở khám, chữa bệnh cần được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động trừ trường hợp cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun thêu, xăm không sử dụng thuốc tê dạng tiêm thì không cần giấy phép hoạt động nhưng vẫn phải có văn bản đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ. 

Luật cũng quy định: Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người như: phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác; làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể như: da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người;

Xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Một phụ nữ tiêm filler nâng mũi đã bị biến chứng mù cả 2 mắt. Ảnh Phunuvietnam

Hoạt động tiêm filler là hoạt động tiêm chất làm đầy vào da ở các độ sâu khác nhau giúp làm đầy các nếp nhăn trên khuôn mặt, cung cấp độ căng cho khuôn mặt và nâng cao các đặc điểm trên khuôn mặt.

Như vậy, hoạt động tiêm filler chỉ được thực hiện ở các bệnh viện, phòng khám, cơ sở chuyên khoa thẩm mỹ có đủ điều kiện hoạt động, có giấy phép hoạt động theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. 

Ở đây, cần xem xét về điều kiện hoạt động của cơ sở mà bạn thực hiện phẫu thuật. Trường hợp không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn thực hiện tiêm filler, thì cơ sở thẩm mỹ phải chịu các chế tài sau:

Xử phạt về vi phạm hành chính phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP do cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời thực hiện đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 đến 24 tháng. 

Trường hợp có đầy đủ điều kiện hoạt động nhưng cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ thì bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; đồng thời đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng.

Trong trường hợp nếu biến chứng sau thẩm mỹ gây tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì chủ cơ sở thẩm mỹ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 Bộ Luật Hình sự 2015.

Hoặc trong trường hợp đầy đủ cấu thành tội phạm luật định, cơ sở thẩm mỹ cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự tại một trong các Điều 128, 138, 139 quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, cơ sở thẩm mỹ có trách nhiệm phải bồi thường do có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Bạn có thể thỏa thuận với cơ sở về bồi thường thiệt hại hoặc khởi kiện yêu cầu cơ sở thẩm mỹ bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.

Các chi phí theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 gồm: 

+ Chi phí cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút

+ Chi phí và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

+ Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

+ Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Địa chỉ: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024.6299.6666: Fax: 024.62.55.88.66
Email: bach@hongbach.vn; Web: hongbach.vn

Tin tức liên quan