Bạn đang ở đây

Đỗ ô tô trên vỉa hè, tường đè bẹp thì ai bồi thường?

16/08/21 17:03:22 | Lượt xem: 6
Thời gian đọc: 7 Phút
Căn cứ vào Điều 584 BLDS 2015 thì người nào gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, uy tín, tài sản thì phải bồ thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

Chào Luật sư! Gần đây tôi có được chứng kiến một vụ việc tại Hà Nội, một bức tường cao 2 mét dài hàng chục mét bất ngờ đổ sập đè lên hàng chục xe ô tô đang đỗ trên vỉa hè gây ra hư hỏng khá nặng. Vậy mong các Luật sư giải đáp giúp tôi trong trường hợp này thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung câu hỏi của bạn thì Luật sư có quan điểm tư vấn như sau:

  1. Các vấn đề pháp lý liên quan.

1.1. Bồi thường thiệt hại là gì?

Bồi thường thiệt hại là Hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất về vật chất thực tế, được tính thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.

1.2. Nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng.

Căn cứ vào Điều 174 Bộ luật dân sự 2015 thì khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.

1.3. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Căn cư vào Điều 584 BLDS 2015 thì người nào gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, uy tín, tài sản thì phải bồ thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

Trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, hoặc phát sinh từ những sự kiện bất khả kháng mà hai bên không lường trước được thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

 

Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, theo Điều 605 BLDS 2015 thì trong trường hợp thiệt hại do nhà cửa hoặc công trình xây dựng khác gây ra thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

  1. Đối chiếu với câu hỏi của bạn.

Căn cứ vào Điều 605 Bộ luật dân sự 2015 thì đối với thiệt hại xảy ra do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây nên thì tùy từng trường hợp cụ thể, trách nhiệm bồi thường thuộc về một trong các chủ thể: chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng công trình đó. Tuy nhiên theo khoản 2 Điều 584 BLDS 2015 về các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Để xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo quan điểm của chúng tôi thì trong trường hợp này trách nhiệm bồi thường thiệt hại phụ thuộc vào nguyên nhân xảy ra vụ việc trên có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý công trình xây dựng hoặc đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe hoặc chính chủ sở hữu phải tự chịu thiệt hại nếu có hành vi vi phạm về nơi đỗ xe:

- Nếu có đủ căn cứ xác định do bức tường đã xuống cấp, được xây dựng cách đây quá lâu dẫn đến kết cấu không còn vững chắc thì trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu hoặc người quản lý vì đã không kiểm tra, cải tạo, sữa chữa công trình.

- Trong trường hợp bức tường đổ là do nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác (Ví dụ như thời tiết, mưa gió, giông bão,...) thì nếu như chủ sở hữu, người quản lý chứng minh được bức tường được xây dựng bảo đảm an toàn, được kiểm tra cải tạo sửa chữa thường xuyên thì lúc này chủ sở hữu sẽ được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những chủ xe ô tô. Nếu có căn cứ cho rằng bức tường không đảm bảo an toàn trong xây dựng, xuống cấp thì lúc này nhũng yếu tố bên ngoài như thời tiết bất lợi không được coi là sự kiện bất khả kháng để loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà chỉ là tác động khách quan dẫn đến việc bức tường bị đổ sập.

- Cùng với việc xác định nguyên nhân, các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ việc các chủ xe ôtô đỗ xe ở vị trí đó có đúng quy định hay không? Đây là điểm trông giữ được cấp phép hay tự phát? Trong trường hợp đây là điểm trông giữ xe hợp pháp, đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe phải bồi thường thiệt hại cho người gửi xe nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện nhận gửi căn cứ theo điểm c khoản 3 Điều 55 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

- Trường hợp chủ sở hữu xe tự ý đỗ xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè thì chủ sở hữu xe phải tự chịu thiệt hại.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Phòng 403 tầng, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666                         Email: bach@hongbach.vn

 

Xem thêm cùng chủ đề

Tin tức liên quan