Bạn đang ở đây

dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

Trêu nghẹo, đụng chạm thân thể người khác coi chừng xử phạt dâm ô

Thời gian đọc: 8 Phút
Pháp luật quy định như thế nào là hành vi dâm ô? Chế tài xử phạt nào đối với đối tượng dâm ô người dưới 16 tuổi?

 Thưa luật sư, con gái tôi vừa vào học lớp 10 tại một trường trên địa bàn huyện. Thời gian gần đây cháu có phản hồi với tôi về việc có một số anh học lớp trên   khi đi đường có trêu ghẹo, đụng chạm vùng nhạy cảm của cháu liên quan đến tình dục. Cháu rất hoảng loạn lo sợ tôi cũng đã động viên tinh thần cho cháu. Luật sư cho tôi hỏi: Theo quy định pháp luật, những đối tượng có hành vi trêu ghẹo con gái tôi thì sẽ bị xử lý như nào? Xin cảm ơn luật sư!

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Nếu con bạn không đi học muộn hơn so với tuổi thì theo quy định cháu đang theo học lớp 10 thì tuôi của cháu là 15. Do đó, những đối tượng trêu gheo cháu là những đối tượng học trên cháu 1, 2 lớp có độ tuổi là 16, 17. Pháp luật nghiêm cấm thực hiện các hành vi trái pháp luật đối với một người nhằm thỏa mãn tình dục, ở đây các đối tượng trêu, ghẹo con bạn đang có hành vi, biểu hiện của việc dâm ô đối với con gái của bạn. 

Tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hành vi dâm ô biểu hiện qua những hành vi khách quan sau đây:

Dâm ô quy định tại Khoản 1 Điều 146 của BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017 quy định là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).

Do đó, bạn có thể trình báo tới Cơ quan Công an có thẩm quyền để được giải quyết, nhằm bảo vệ an toàn cho con gái. Luật sư nhận định tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, nhân thân, điều kiện thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của những đối tượng có hành vi trêu, ghẹo con bạn liên quan đến tình dục sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan. Cụ thể:

Về xử phạt hành chính

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính số 31/VBHN-VPQH ngày 07/12/2020 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên là đối tượng bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Điều 5. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính

1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì các đối tượng này sẽ bị xử phạt tiền với mức phạt như sau:

Căn cứ theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi,... những đối tượng có hành vi trêu, ghẹo con bạn liên quan đến tình dục sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh minh họa: Internet

Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

d) Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Sàm sỡ, quấy rối tình dục;

e) Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng;

Ngoài ra, theo quy định tại điểm c khoản 14 Điều 7 Nghị định này các đối tượng có hành vi dâm ô con gái của bạn sẽ phải xin lỗi công khai đối với con gái bạn.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì các đối tượng có hành vi dâm ô con gái bạn sẽ bị các cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định tại điều 146 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Cụ thể:

 Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%59;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên60;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Án lệ số 46: Về việc xác định tình tiết định khung hình phạt “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” trong tội “Dâm ô đối với trẻ em”

Thời gian đọc: 17 Phút
Án lệ số 46/2021 được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2021 và được công bố theo Quyết định số 594/QĐ-CA ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

ÁN LỆ SỐ 46/2021/AL

Về việc xác định tình tiết định khung hình phạt “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” trong tội “Dâm ô đối với trẻ em”

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2021 và được công bố theo Quyết định số 594/QĐ-CA ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 12/2020/HS-GĐT ngày 07/8/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Dâm ô đối với trẻ em” đối với bị cáo Đinh Quang D.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 3 và đoạn 4 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung án lệ:

- Tình huống án lệ:

Bị cáo là giáo viên nơi bị hại là trẻ em theo học, không trực tiếp giảng dạy bị hại, có hành vi dâm ô đối với bị hại.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo phạm tội “Dâm ô đối với trẻ em” theo điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 với tình tiết định khung hình phạt “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” (tương ứng điểm d khoản 2 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” với tình tiết định khung hình phạt “Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục”).

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

- Điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội “Dâm ô đối với trẻ em” (tương ứng với khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”);

- Điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 31 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Từ khoá của án lệ:

“Giáo viên nơi bị hại là trẻ em theo học”; “Dâm ô đối với trẻ em”; “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”; “Người phạm tội có trách nhiệm giáo dục”.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Do quen biết nhau từ trước, khoảng 07 giờ 30 phút ngày 02/4/2017, Nguyễn Thị T (sinh ngày 03/8/2001) là học sinh lớp 10, Trường trung học phổ thông L sử dụng điện thoại nhắn tin cho Đinh Quang D là giáo viên của trường và hẹn xuống phòng của D chơi.

Sau khi hẹn, cháu T đi bộ đến phòng của D ở khu tập thể giáo viên, tại phòng ở của D, do ngại có người đi ngang qua nên D đóng cửa rồi cầm tay cháu T xem chỉ tay. Lúc này, D đưa tay khoác vai, ôm eo, thấy cháu T không phản ứng nên D nảy sinh ý định muốn gần gũi với cháu T để thoả mãn nhu cầu cá nhân. D hôn cháu T, kéo cháu T nằm xuống giường và nằm lên giường cùng cháu T rồi tiếp tục hôn, dùng tay sờ bụng, sờ ngực, sau đó dùng tay mở khuy quần và kéo khoá quần cháu T xuống.

D đưa tay trái của mình sờ vào bộ phận sinh dục của cháu T. Cháu T không đồng ý nên kéo tay D ra và kéo khoá quần lên. D tiếp tục kéo khoá quần của T xuống và tụt phần phía trước quần D đang mặc xuống để lộ một phần dương vật ra ngoài, chạm vào hông của cháu T, cháu T đẩy D ra thì quần của D tự bật lên, đẩy dương vật vào trong quần.

D tiếp tục ngồi lên đùi cháu T, dùng hai tay xoa vào má cháu T thì cháu T đẩy D ra và đứng dậy sửa lại tóc, quần áo đòi về. D đi đến phía sau ôm cháu T rồi mở cửa cho cháu T về. Sau đó, cháu T kể lại cho gia đình biết chuyện bị D xâm hại tình dục. Ngày 03/4/2017, bà Trần Thị H là mẹ cháu T tố cáo hành vi của Đinh Quang D.

ÁN LỆ SỐ 46/2021/AL Về việc xác định tình tiết định khung hình phạt “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” trong tội “Dâm ô đối với trẻ em” (Ảnh minh họa)

Tại Kết luận giám định pháp y số 166/TTPY ngày 07/7/2017, Trung tâm giám định pháp y tỉnh G kết luận: Cháu Nguyễn Thị T không bị tổn hại cơ thể.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2017/HSST ngày 02/10/2017, Tòa án nhân dân huyện Chư Prông đã áp dụng khoản 1 Điều 116; điểm h, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt Đinh Quang D 07 tháng tù về tội “Dâm ô đối với trẻ em”.

Ngày 02/10/2017, Đinh Quang D kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 97/2017/HSPT ngày 29/12/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh Quang D; áp dụng khoản 1, Điều 116; điểm h, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999; áp dụng thêm điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa bản án hình sự sơ thẩm, xử phạt Đinh Quang D 07 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Ngày 06/4/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 48/QĐ-VC2 đề nghị hủy bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm vì cho rằng hành vi phạm tội của Đinh Quang D phải được xét xử với tình tiết định khung tăng nặng “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 55/2018/HS-GĐT ngày 23/10/2018, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm.

Tại Kháng nghị số 13/QĐ-VKSTC-V7 ngày 23/10/2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định: Kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số 55/2018/HS-GĐT ngày 23/10/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và Bản án hình sự phúc thẩm số 97/2017/HSPT ngày 29/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.

Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2017/HSST ngày 02/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, Bản án hình sự phúc thẩm số 97/2017/HSPT ngày 29/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và Quyết định giám đốc thẩm số 55/2018/HS-GĐT ngày 23/10/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Với lý do như sau:

“Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng nhận định: Tình tiết “Người có trách nhiệm giáo dục” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 được hiểu là thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy hoặc là giáo viên chủ nhiệm đối với người bị hại. Trong vụ án này, bị cáo Đinh Quang D là giáo viên, cháu Nguyễn Thị T- người bị hại là học sinh, tuy nhiên cả hai không có mối quan hệ thầy-trò trực tiếp nên áp dụng khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử phạt Đinh Quang D.

Nhận định và quyết định như trên của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự, bởi vì: Đinh Quang D là giáo viên bộ môn địa lý của Trường trung học phổ thông L, nơi cháu Nguyễn Thị T đang là học sinh. Theo quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 31 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Điều lệ trường Trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì nhiệm vụ của giáo viên bộ môn là phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác trong việc dạy học và giáo dục học sinh.

Do đó, với tư cách là giáo viên của nhà trường, D phải có trách nhiệm giáo dục tất cả các học sinh của trường, trong đó có cháu Nguyễn Thị T. Hành vi phạm tội của Đinh Quang D đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của toàn thể giáo viên Trường trung học phổ thông L. Vì vậy, hành vi phạm tội của Đinh Quang D phải bị khởi tố, xét xử với tình tiết định khung “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự.

Tòa án nhân dân huyện Chư Prông áp dụng khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự 1999 xử phạt Đinh Quang D 07 tháng tù là không đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà bị cáo đã thực hiện. Bản án phúc thẩm và Quyết định giám đốc thẩm áp dụng thêm điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo D là không đúng vì bố của bị cáo không phải là liệt sĩ; đồng thời cho bị cáo D hưởng án treo là chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh đối với loại tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em đang diễn biến phức tạp và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như hiện nay”.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2017/HSST ngày 02/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, Bản án hình sự phúc thẩm số 97/2017/HSPT ngày 29/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và Quyết định giám đốc thẩm số 55/2018/HS-GĐT ngày 23/10/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xét xử Đinh Quang D về “Tội dâm ô đối với trẻ em” là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Về tình tiết định khung hình phạt: Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng D không phải là thầy giáo trực tiếp dạy cháu Nguyễn Thị T nên không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 là không đúng pháp luật.

[3] Đinh Quang D là giáo viên dạy môn địa lý của Trường trung học phổ thông L. Ngày 26/3/2017, D xuống khu học sinh dân tộc nội trú nhờ học sinh nam chặt chuối giúp ở phía sau khu tập thể của D, gặp T chơi ở phòng các học sinh nữ và biết T đang học lớp 10. Từ đó D và T thường hay nhắn tin cho nhau. Ngày 02/4/2017, T nhắn tin đến phòng D chơi và D có hành vi dâm ô đối với T. Do đó, D biết T được khoảng 1 tuần và biết T là học sinh của Trường trung học phổ thông L.

[4] Theo quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 31 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Điều lệ trường Trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì nhiệm vụ của giáo viên bộ môn là phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác trong việc dạy học và giáo dục học sinh. Do đó, với tư cách là giáo viên của nhà trường, D phải có trách nhiệm giáo dục tất cả các học sinh của trường, trong đó có cháu Nguyễn Thị T. Do đó, D phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng là “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 mới đúng pháp luật.

[5] Tòa án nhân dân huyện Chư Prông áp dụng khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt Đinh Quang D 07 tháng tù là không đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà bị cáo đã thực hiện. Bản án phúc thẩm và Quyết định giám đốc thẩm áp dụng thêm điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo D là không đúng vì theo lý lịch cựu chiến binh thì bố của bị cáo không phải là liệt sĩ; đồng thời cho bị cáo D hưởng án treo là chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh đối với loại tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em đang diễn biến phức tạp và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như hiện nay.

[6] Do đó, Kháng nghị giám đốc thẩm số 13/QĐ-VKSTC-V7 ngày 23/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với Quyết định giám đốc thẩm số 55/2018/HS-GĐT ngày 23/10/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và Bản án hình sự phúc thẩm số 97/2017/HSPT ngày 29/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai là cần thiết; cần hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2017/HSST ngày 02/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, Bản án hình sự phúc thẩm số 97/2017/HSPT ngày 29/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và Quyết định giám đốc thẩm số 55/2018/HS-GĐT ngày 23/10/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ khoản 3 Điều 388; Điều 391 và Điều 394 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:

1. Chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm số 13/QĐ-VKSTC-V7 ngày 23/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với Quyết định giám đốc thẩm số 55/2018/HS-GĐT ngày 23/10/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và Bản án hình sự phúc thẩm số 97/2017/HSPT ngày 29/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.

2. Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2017/HSST ngày 02/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, Bản án hình sự phúc thẩm số 97/2017/HSPT ngày 29/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và Quyết định giám đốc thẩm số 55/2018/HS-GĐT ngày 23/10/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

3. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai để xét xử sơ thẩm lại.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[3] Đinh Quang D là giáo viên dạy môn địa lý của Trường trung học phổ thông L. Ngày 26/3/2017, D xuống khu học sinh dân tộc nội trú nhờ học sinh nam chặt chuối giúp ở phía sau khu tập thể của D, gặp T chơi ở phòng các học sinh nữ và biết T đang học lớp 10. Từ đó D và T thường hay nhắn tin cho nhau. Ngày 02/4/2017, T nhắn tin đến phòng D chơi và D có hành vi dâm ô đối với T. Do đó, D biết T được khoảng 1 tuần và biết T là học sinh của Trường trung học phổ thông L.

[4] Theo quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 31 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Điều lệ trường Trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì nhiệm vụ của giáo viên bộ môn là phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác trong việc dạy học và giáo dục học sinh. Do đó, với tư cách là giáo viên của nhà trường, D phải có trách nhiệm giáo dục tất cả các học sinh của trường, trong đó có cháu Nguyễn Thị T. Do đó, D phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng là “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 mới đúng pháp luật.

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn