Bạn đang ở đây

công ty

Chi tiết hồ sơ, thủ tục mở văn phòng đại diện cho Công ty

Thời gian đọc: 6 Phút
Doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính.

Kính chào luật sư, doanh nghiệp của tôi đang có nhu cầu đăng ký hoạt động cho văn phòng đại diện của Công ty, tuy nhiên chúng tôi chưa biết thủ tục như thế nào, pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào? Vậy, luật sư tư vấn cho tôi về thủ tục mở văn phòng đại diện cho Công ty. Tôi xin cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020 thủ tục, điều kiện thành lập Văn phòng đại diện được pháp luật quy định như sau:

1. Doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính.

2. Trường hợp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Hồ sơ bao gồm:

a) Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;

b) Bản sao quyết định thành lập và bản sao biên bản họp về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.

Chi tiết hồ sơ, thủ tục mở văn phòng đại diện cho Công ty

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

4. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.

5. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp thông báo địa điểm kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký hoạt động của văn phòng đại diện được hướng dẫn cụ thể tại Điều 31 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, việc thành lập Văn phòng đại diện pháp luật quy định như sau:

+ Hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện

Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

a) Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

b) Bản sao nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; bản sao nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;

c) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp.

Việc lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật nước đó. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chính thức lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Kèm theo thông báo phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc giấy tờ tương đương. Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin về chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Làm thủ tục giải thể năm 2021 cần những gì?

Thời gian đọc: 8 Phút
Khi doanh nghiệp của bạn không còn tiếp tục hoạt động nữa thì bạn nên tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp để được đảm bảo các quyền và lợi ích của chính mình.

Xin chào Luật Hồng Bách! Doanh nghiệp của tôi được thành lập từ tháng 2/2021 nhưng đến nay chưa in hóa đơn, chưa có bất cứ một hoạt động kinh doanh nào. Vì sau này có khả năng doanh nghiệp sẽ không hoạt động nữa nên bây giờ tôi muốn làm thủ tục tạm dừng hoặc giải thể doanh nghiệp thì làm cách nào là hợp lý nhất? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ các Luật sư, xin chân thành cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung thắc mắc của bạn, Luật sư của Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Thế nào là giải thể doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh?

Về khái niệm, tạm ngừng kinh doanh và giải thể doanh nghiệp đều có bản chất là doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh nữa. Tuy nhiên như tên gọi “tạm ngừng kinh doanh”, “giải thể” đã nêu rõ giới hạn về mặt thời gian của hai hình thức này, cụ thể:

Tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm thời không thực hiện hoạt động kinh doanh (bao gồm: không xuất hóa đơn, không ký kết hợp đồng hoặc thực hiện bất kỳ một giao dịch nào khác), trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khi hết thời gian tạm ngừng doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trở lại hoạt động bình thường, hoặc thực hiện thủ tục giải thể, tái cơ cấu doanh nghiệp. (Việc tạm ngừng kinh doanh được quy định tại Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Điều 67 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp)

Giải thể công ty là thủ tục chấm dứt sự tồn tại, hoạt động của công ty, xóa tên của công ty trong sổ đăng ký kinh doanh. Công ty chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán được toàn bộ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

Vì thời hạn tạm ngừng kinh doanh không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Phòng Đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm (Theo Khoản 1 Điều 66 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp)

Do đó, khi doanh nghiệp của bạn không còn tiếp tục hoạt động nữa thì bạn nên tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp để được đảm bảo các quyền và lợi ích của chính mình. Mặc dù công ty của bạn chưa in hóa đơn, chưa có doanh thu cũng như hóa đơn đầu ra đầu vào hay có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào thì cũng vẫn phải thực hiện thủ tục giải thể theo đúng quy định của pháp luật như các trường hợp giải thể khác. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, tuy nhiên, với trường hợp giải thể của doanh nghiệp bạn là “giải thể theo quyết định của chủ sở hữu công ty”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài.

Trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp?

Trong nội dung câu hỏi, không đề cập đến loại hình doanh nghiệp của bạn là gì, vì vậy, về giải thể doanh nghiệp nói chung theo quyết định của chủ sở hữu công ty được quy định tại Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Điều 70 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP như sau:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đưa ra quyết định giải thể quy định tại khoản 1 Điều 208 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp của bạn cần gửi thông báo về việc giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp bạn đặt trụ sở chính. Kèm theo thông báo phải có các giấy tờ sau đây: Nghị quyết, quyết định và biên bản họp về việc giải thể doanh nghiệp; Phương án giải quyết nợ (nếu có).

Sau khi nhận được thông báo về việc giải thể, trong thời hạn 01 ngày làm việc Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ đăng tải các giấy tờ trên và thông báo tình trạng doanh nghiệp của bạn đang làm thủ tục giải thể trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp bạn sang tình trạng đang làm thủ tục giải thể, sau đó gửi thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế.

Sau đó bạn cần thực hiện các thủ tục:

  • Chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện (Nếu có), địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
  • Thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp (Nếu có);
  • Hoàn thành nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục trên, bạn gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp bạn đặt trụ sở chính trong thời hạn 05 ngày.

Hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp bao gồm các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 210 Luật Doanh nghiệp.

Trong vòng 02 ngày làm việc, Cơ quan thuế gửi ý kiến về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp bạn đến Phòng đăng ký kinh doanh. Nếu không nhận được ý kiến từ chối của Cơ quan thuế, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký giải thể từ doanh nghiệp của bạn, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp bạn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể

Bạn nhận thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp mình.

Do giải thể doanh nghiệp là doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoàn toàn nên thủ tục thực hiện có phần phức tạp hơn thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Tổng quan lại có 4 bước cơ bản mà bạn cần nắm rõ như sau:

Bước 1: Đăng công bố thông tin giải thể doanh nghiệp

Bước 2: Xin đóng mã số thuế tại cơ quan thuế.

Bước 3: Trả con dấu cho cơ quan công an hoặc thực hiện hủy con dấu của công ty (Nếu có).

Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh và đợi thông báo.

Với quy trình giải thể như trên, thời gian giải quyết để giải thể doanh nghiệp có thể từ 2 cho tới 4 tháng.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn