Bạn đang ở đây

chế tài xử phạt hành vi không niêm yết giá

Chế tài xử phạt hành vi không niêm yết giá.

Thời gian đọc: 7 Phút
Thế nào là niêm yết giá? Việc niêm yết giá phải đảm bảo các yếu tố nào? Chế tài gì với cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh không niêm yết giá?

Thưa luật sư niêm yêt giá là gì? Những địa điểm nào bắt buộc phải niêm yết giá? Không công khai giá bán thì xử phạt như thế nào? Xin cảm ơn luật sư!

Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi tư vấn về cho chúng tôi. Với nội dung câu hỏi của bạn Luật sư Công ty Luật Hồng Bách có quan điểm tư vấn như sau:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật giá 2012 thì niêm yết giá được hiểu là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư số 116/2018/TT-BTC ngày 28/11/2018 của Bộ Tài chính thì giá niêm yết được hiểu là mức giá mà các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai đến khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam.

Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật giá thì đối với mỗi hàng hóa hoạt động niêm yết giá được thực hiện như sau:

a)    Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết;

b)    Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.

Theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP thì người kinh doanh tại những địa điểm sau phải thực hiện hoạt động niêm yết giá:

+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm).

+ Siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

+ Hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

+ Các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.

Việc niêm yết giá giúp khách hàng nhận biết mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam. Ảnh minh họa:Internet. 

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân, thực hiện hoạt động kinh doanh mà không thực hiện việc niêm yết giá, hoặc có hành vi bán giá cao hơn so với giá thị trường tùy vào mặt hàng, tính chất, hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2016/NĐ-CP. Theo đó, mức xử phạt như sau:

Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ

1. Phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;

b) Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sau:

a) Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm;

b) Niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh Mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Khoản 5 Điều này.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật ngoài hình thức niêm yết giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá;

Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, kê khai giá.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều này, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, với hành vi tăng giá bán cao đối với hàng hóa đã kê khai, đăng ký với Cơ quan quản lý thì thì chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.