Bạn đang ở đây

phòng vệ chính đáng

Phân tích về phòng vệ chính đáng trong tình huống tư vấn

Thời gian đọc: 5 Phút
Pháp luật quy định thế nào là phòng vệ chính đáng? Có được phép chống trả khi tính mạng bị đe dọa? Vượt quá phòng vệ chính đáng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thưa luật sư vừa qua ở gần tôi xảy ra sự kiện: 
Rạng sáng ngày 04/03/2023, X ở phường Phú Trinh, thành phố Phan Thiết đến một căn nhà trên đường Võ Văn Tần để đòi nợ và có hành vi đập phá. Nguyễn Ngọc Q ở gần đó đến xem và cự cãi với nhóm của X nhưng được mọi người can ngăn. Sau khi Q quay về nhà, X cùng hai thanh niên khác cầm dao, mã tấu xông vào nhà Q để truy sát và Q cũng cầm kiếm tự chế lao ra. Q một mình chống trả ba người và đã đuổi chém trúng vào vùng cổ của X làm người này gục tại chỗ. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong tại bệnh viện.
Vậy luật sư có thể phân tích trong trường hợp nêu trên Q có phải chịu trách nhiệm hình sự không và hành vi của Q có phải là phòng vệ chính đáng không? Xin cảm ơn luật sư!

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì phòng vệ chính đáng được hiểu như sau: 

Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Như vậy, theo khái niệm nêu trên khi cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, của người khác đang bị xâm hại thì pháp luật cho phép cá nhân có hành vi chống trả cần thiết đối với người có hành vi xâm phạm các quan hệ được pháp luật hình sự bảo hộ, nếu vượt quá hành vi phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan. 

Pháp luật cho phép cá nhân có hành vi chống trả cần thiết đối với người có hành vi xâm phạm các quan hệ được pháp luật hình sự bảo hộ. Ảnh minh họa:Internet.

Đối chiếu vào tình huống này, để đánh giá Q bị khởi tố về tội giết người hay cố ý gây thương tích có phù hợp hay không thì cần nhận định X và nhóm đối tượng của mình có hành vi tấn công Q ở mức độ nào? Có nguy cơ xảy ra hậu quả chết người đối với Q không, thời gian nhóm X tấn công Q, và Q tấn công lại nhóm X, hành vi của Q tấn công lại nhóm đối tượng của X có phải là hành vi chống trả “cần thiết” để loại trừ hành vi nguy hiểm của nhóm đối tượng X không? Hay hành vi chống trả này đã vượt quá giới hạn của “chống trả cần thiết”. 

Rõ ràng trong trường hợp này nhóm đối tượng X đã bỏ chạy, nhưng Q vẫn vung dao chém vào vùng cổ của X và là nguyên nhân gây tử vong cho X, với một người nhận thức đầy đủ thì Q biết hành vi dùng dao chém vào vùng cổ của X có thể gây hậu quả chết người nhưng Q vẫn cố tình thực hiện hành vi, luật sư nhận định đây là hành vi có dấu hiệu tội giết người. Tuy nhiên, để có thể khẳng định Q có phạm tội không và tội danh cụ thể đối với Q thì cần phải căn cứ vào lời khai, hồ sơ vụ việc, biên bản khám nghiệm hiện trường, ý chí của Q tại thời điểm xảy ra hành vi, mức độ, hành vi tấn công Q của nhóm đối tượng X…

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Làm chết chó của người khác có phải bồi thường không?

Thời gian đọc: 10 Phút
Tôi sang nhà một người bạn chơi thì bị chó nhà bạn cắn. Để đảm bảo an toàn cho bản thân nên tôi đã cầm gạch đập chết chó nhà bạn. Vậy tôi có phải bồi thường cho chủ con chó không?

Kính chào Luật sư! Tôi xin trình bày vụ việc cụ thể như sau: Nhà bạn tôi có nuôi chó. Trong một lần tôi sang chơi bạn tôi mời đến nhà tham quan.

Trong lúc không để ý thì có một con chó từ trong nhà lao ra một cách rất nhanh cắn tôi khiến tôi bị thương nặng ở tay trái, khâu 5 mũi.  Lúc đấy tôi sợ hãi quá nên vớ được cục gạch gần đó và đập liên tiếp vào đầu con chó khiến con chó chết mặc sự can ngăn của bạn bè.

Xin hỏi luật sư, tôi làm chết chó của bạn tôi như vậy thì có phải bồi thường?

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau: 

Theo quy định của bộ luật dân sự 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Những chú chó là tài sản và thuộc “vật”. Bởi lẽ vật ở đây bao gồm cả động vật, thực vật và mọi vật khác với ý nghĩa vật lý ở mọi trạng thái (rắn, lỏng, khí). Vật ngoài yếu tố đáp ứng được nhu cầu của con người, vật với tư cách là tài sản phải nằm trong sự chiếm hữu của con người, có đặc trưng giá trị và trở thành đối tượng của các giao dịch dân sự. Vật là tài sản không chỉ là những vật tồn tại hiện hữu mà còn bao gồm cả những vật (hay tài sản) chắc chắn sẽ có. Như vậy có thể thấy chó thỏa mãn các đặc điểm trên và thuộc tài sản của chủ sở hữu. 

Khi bạn sang nhà chơi nhưng bị chó cắn, từ đây có thể suy ra rằng chủ của con chó đã có lỗi trong vụ việc này bởi đã không đảm an toàn cho mọi người khi nuôi chó bằng các biện pháp như không xích chó lại, không đeo rọ mõm khiến chó lao vào cắn bạn. Như vậy có chủ con chó đã gián tiếp gây tổn hại đến sức khỏe của bạn. 

Đánh chết chó sợ phải bồi thường. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo thông tin bạn đưa ra: Lúc đấy tôi sợ hãi quá nên vớ được cục gạch gần đó và đập liên tiếp vào đầu con chó mặc sự can ngăn của bạn bè. “Mặc sự can ngăn của bạn bè” ở đây có 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Chủ của con chó can ngăn bằng lời nói

Nếu chủ con chó chỉ ngăn chặn bằng lời nói tức không lao vào can ngăn mà chỉ nói miệng quát con chó của mình là không cắn người. Theo điều 22 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.

Phòng vệ chính đáng đòi hỏi biện pháp chống trả nói chung (trong đó đã bao gồm phương tiện, phương pháp và thiệt hại) là biện pháp cần thiết phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm đặt trong hoàn cảnh cụ thể. Sự cần thiết và phù hợp được thể hiện ở chỗ:

- Mức độ hành vi xâm phạm phải mãnh liệt, thể hiện tính chất nguy hiểm đáng kể

- Mức độ thiệt hại tương xứng. Người có hành vi xâm phạm gây tổn hại về sức khỏe cho bạn và sau đó bạn cũng gây tổn hại về sức khỏe lại cho người đó.

- Hành vi chống trả là cần thiết. Tức ở đây là buộc phải chống trả mặc dù tại thời điểm đó, thiệt hại bạn gây ra là cao hơn thiệt hại mà bên có hành vi xâm phạm gây ra cho bạn.

Ở trường hợp này, kết hợp với thông tin bạn đưa ra: Trong lúc không để ý thì có một con chó từ trong nhà lao ra một cách rất nhanh cắn tôi khiến tôi bị thương nặng ở tay trái, khâu 5 mũi. Như vậy có thể thấy mức độ mãnh liệt của con chó khi lao vào cắn bạn, có thiệt hại thực tế xảy ra. Nếu như không có hành vi chống lại thì có nguy cơ thiệt hại xảy ra có khả năng cao hơn.

Khi đó việc chủ con chó chỉ quát mắng mà không có hành vi thực tế nhằm ngăn cản con chó, dẫn đến việc khả năng gây nguy hiểm cao hơn khiến bạn cần phải có hành vi để phòng vệ bản thân. Do đó bạn thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng. 

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, căn cứ điều 594 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”. Như vậy bạn không phải bồi thường cho chủ con chó.

Trường hợp 2: Chủ của con chó can ngăn bằng hành động

Chủ con chó đã lao vào can ngăn chó cắn bạn trước khi bạn cầm gạch đập liên tiếp vào đầu con chó. Lúc này nếu con chó đã nhả tay bạn ra, con chó đã không cắn bạn nữa tức không gây thiệt hại cho bạn nhưng sau đó bạn cầm gạch đập liên tiếp vào đầu con chó khiến con chó chết thì trường hợp không được coi là phòng vệ chính đáng.

Bởi lẽ quyền phòng vệ chính đáng chỉ phát sinh khi hành vi tấn công trái pháp luật gây thiệt hại đến các lợi ích đang hiện hữu xảy ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu hành vi tấn công xâm hại đã dừng lại trên thực tế thì quyền phòng vệ không còn, bởi gây thiệt hại cho người đã có hành vi tấn công trái pháp luật ở thời điểm này là không cần thiết, không phù hợp với mục đích của phòng vệ chính đáng.

Bộ luật dân sự quy định người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (khoản 1 điều 156 BLDS 2015).

Ở trường hợp này bạn có hành vi cầm gạch và đập liên tiếp vào đầu chú chó khiến nó chết mặc dù chủ con chó đã lao vào căn ngăn bằng hành động, con chó đã nhả tay ra nhưng ngay sau đó bạn cầm gạch thực hiện hành vi của mình. Việc con chó lao ra cắn bạn là sự kiện không thể lường trước được nhưng đã khắc phục được bởi chủ con chó đã vào can và chó đã nhả tay bạn ra.

Do vậy thiệt hại bạn gây ra không phát sinh do sự kiện bất khả kháng. Trường hợp này được coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.  Căn cứ Điều 22 Bộ luật hình sự 2015: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại".

Căn cứ Điều 594 BLDS, cụ thể “Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”. Bạn là người gây thiệt hại về tài sản cho chủ của con chó do đó bạn phải bồi thường thiệt hại bởi vì hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng bị coi là hành vi trái pháp luật và người thực hiện hành vi bị coi là có lỗi khi thực hiện hành vi đó.

Bộ luật dân sự chưa có quy định cụ thể về mức bồi thường thiệt hại mà người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường. Có thể bạn chỉ phải bồi thường phần thiệt hại vượt quá giới hạn nhưng cũng có thể bạn sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Do đó cả bạn và chủ con chó nên thỏa thuận với nhau về việc bồi thường bởi cả 2 bên đều có lỗi và đều gây ra thiệt hại cho nhau.

Trường hợp chủ con chó đã can ngăn bằng hành động nhưng con chó vẫn chưa nhả tay bạn ra. Trường hợp này là phòng vệ chính đáng bởi lẽ nếu bạn không cầm gạch đánh vào đầu con chó thì con chó sẽ không nhả tay ra, và nó sẽ tiếp tục gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của bạn. 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666;   Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn