Bạn đang ở đây

Phân tích về phòng vệ chính đáng trong tình huống tư vấn

15/03/23 11:19:01 | Lượt xem: 606
Thời gian đọc: 5 Phút
Pháp luật quy định thế nào là phòng vệ chính đáng? Có được phép chống trả khi tính mạng bị đe dọa? Vượt quá phòng vệ chính đáng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thưa luật sư vừa qua ở gần tôi xảy ra sự kiện: 
Rạng sáng ngày 04/03/2023, X ở phường Phú Trinh, thành phố Phan Thiết đến một căn nhà trên đường Võ Văn Tần để đòi nợ và có hành vi đập phá. Nguyễn Ngọc Q ở gần đó đến xem và cự cãi với nhóm của X nhưng được mọi người can ngăn. Sau khi Q quay về nhà, X cùng hai thanh niên khác cầm dao, mã tấu xông vào nhà Q để truy sát và Q cũng cầm kiếm tự chế lao ra. Q một mình chống trả ba người và đã đuổi chém trúng vào vùng cổ của X làm người này gục tại chỗ. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong tại bệnh viện.
Vậy luật sư có thể phân tích trong trường hợp nêu trên Q có phải chịu trách nhiệm hình sự không và hành vi của Q có phải là phòng vệ chính đáng không? Xin cảm ơn luật sư!

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì phòng vệ chính đáng được hiểu như sau: 

Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Như vậy, theo khái niệm nêu trên khi cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, của người khác đang bị xâm hại thì pháp luật cho phép cá nhân có hành vi chống trả cần thiết đối với người có hành vi xâm phạm các quan hệ được pháp luật hình sự bảo hộ, nếu vượt quá hành vi phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan. 

Pháp luật cho phép cá nhân có hành vi chống trả cần thiết đối với người có hành vi xâm phạm các quan hệ được pháp luật hình sự bảo hộ. Ảnh minh họa:Internet.

Đối chiếu vào tình huống này, để đánh giá Q bị khởi tố về tội giết người hay cố ý gây thương tích có phù hợp hay không thì cần nhận định X và nhóm đối tượng của mình có hành vi tấn công Q ở mức độ nào? Có nguy cơ xảy ra hậu quả chết người đối với Q không, thời gian nhóm X tấn công Q, và Q tấn công lại nhóm X, hành vi của Q tấn công lại nhóm đối tượng của X có phải là hành vi chống trả “cần thiết” để loại trừ hành vi nguy hiểm của nhóm đối tượng X không? Hay hành vi chống trả này đã vượt quá giới hạn của “chống trả cần thiết”. 

Rõ ràng trong trường hợp này nhóm đối tượng X đã bỏ chạy, nhưng Q vẫn vung dao chém vào vùng cổ của X và là nguyên nhân gây tử vong cho X, với một người nhận thức đầy đủ thì Q biết hành vi dùng dao chém vào vùng cổ của X có thể gây hậu quả chết người nhưng Q vẫn cố tình thực hiện hành vi, luật sư nhận định đây là hành vi có dấu hiệu tội giết người. Tuy nhiên, để có thể khẳng định Q có phạm tội không và tội danh cụ thể đối với Q thì cần phải căn cứ vào lời khai, hồ sơ vụ việc, biên bản khám nghiệm hiện trường, ý chí của Q tại thời điểm xảy ra hành vi, mức độ, hành vi tấn công Q của nhóm đối tượng X…

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Tin tức liên quan