Nỗi đau một gia đình: Cả 2 nữ luật sư Trương Thị Pha và Đinh Thị Hoà đều xúc động khi nghe ông Vũ văn Thành (trú tại Trương Định, Trực Ninh, Nam Định) giãi bày nỗi bức xúc của mình. Ông Thành kể: Chị gái ông là Vũ Thị Nụ có 3 người con làm việc cho công ty TNHH Cơ khí tàu thuỷ Mai Tông ( gọi tắt là công ty Mai Tông) có trụ sở tại TP.Nam Định. Ngày 17 -10-2007, khi đang làm việc trên tàu, boong phát ra tiếng nổ lớn khiến 4 công nhân bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu, trong đó có 3 người con của chị Nụ. Do vết thương quá nặng, 4 công nhân này lần lượt chết sau khi đưa đi cấp cứu hoặc điều trị tại bệnh viện. “Sau khi các con mất, gia đình chị gái tôi chỉ được đền bù số tiền ít ỏi, không đủ chi phí cho khoản điều trị tại bệnh viện và mai tang. Nỗi đau mất con chưa nguôi, chị tôi lại nhận được Biên bản của Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh Nam Định, cho rằng trách nhiệm không thuộc Công ty Mai Tông mà là con rể của chị (đã chết trong vụ nổ - PV). Quá đau khổ và thất vọng, chị tôi và chồng mắc bệnh thần kinh không ổn định, không nơi nương tựa.” - ông Thành nghẹn ngào kể tiếp. Ông thành cho biết, hơn 2 năm nay, Công ty Mai Tông không đến thăm hỏi, còn khoản đền bù cho gia đình chị Nụ vẫn chưa giải quyết xong. Chia sẻ với nỗi đau của ông Thành, luật sư Trương Thị Pha cho rằng gia đình cần xem xét lại hợp đồng lao động của người than bị nạn và kết luận của đoàn kiểm tra. Nếu thấy kết luận chưa thoả đáng thì khiếu nại lên cấp trên. Về việc của chị Nụ và chồng bị tổn thất nặng nề về tinh thần sau cái chết của các con thì có thể đòi hỏi từ công ty chủ quản, một khoản bù đắp theo quy định của pháp luật. Nếu không thoả đáng thì kiện ra toà. Các luật sư cũng tư vấn cho ông Thành thu thập thêm tài liệu liên quan để đảm bảo quyền lợi. Đề nghị chính quyền giải quyết dứt điểm: Ông Nguyễn Văn Chung (xã Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam) bức xúc: Ngày 17-7-1996, UBND huyện Duy Tiên có quyết định thu hồi 182m2 đất thổ canh và trả lại 54m2 ngõ đi cho ông Chung đang bị ông Nguyễn Văn Thuận (nay đại diện hợp pháp là ông Nguyễn Văn Dòng) - người cùng xã, chiếm dụng và giao cho UBNN xã đốc thúc tháo dỡ tài sản trên đất. Tuy nhiên, từ khi có quyết định đến nay, dù đã khiếu nại nhiều lần nhưng chính quyền vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Về vấn đề này, luật sư Hồng Bách cho rằng UBND huyện sau khi ra quyết định thu hồi đất thổ canh bị chiếm dụng mà người bị thu hồi không thực hiện thì có thể ra quyết định xử phạt hành chính. Sau xử phạt hành chính mà tiếp tục vi phạm, cần thực hiện biện pháp cưỡng chế. Luật sư Hồng Bách cũng hứa sẽ làm công văn đề nghị UBND huyện Duy Tiên ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trong sử dụng đát đai, trong dó yêu cầu người chiếm dụng đất của ông Chung là ông Nguyễn Văn Dòng trả lại đất và tháo dỡ công trình, tài sản trên đất. Theo báo Nông Thôn Ngày Nay (số 8 – ra ngày 12/01/2010) Văn phòng Luật sư Hồng Bách và Cộng sự. Số 6 - Đường Trung Yên 3, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 84.4. 37868574 Fax: 84.4. 37868575. Website:www.hongbach.vn