Hôm qua, tại toà soạn báo NTNN tiếp tục diễn ra buổi tư vấn pháp luật miễn phí thường kỳ cho nông dân. Nội dung chủ yếu của buổi tư vấn lần này liên quan nhiều đến đất đai. Khóc oà khi được tư vấn Bàn tư vấn của Luật sư Đào Trung Kiên tiếp nhận đơn thư của chị Nguyễn Thị Đào (Thanh Liêm, Hà Nam) và anh em họ hàng của chị về việc tranh chấp lối đi chung trong họ tộc. Theo trình bày của chị Đào, khu đất gia đình chị và các anh Nguyễn Hữu Tuân, Nguyễn Hữu Thuần đang sử dụng có chung nguồn gốc là của cụ nội để lại cho con cháu. Ngõ đi vào nhà chị đã có từ thời các cụ. Khi chia đất, ngõ này vẫn tồn tại để đi lại. Năm 2004, anh Tuân và Thuần đã tự ý đo diện tích ngõ nhập vào diện tích nhà mình để kê khai với xã. Năm 2007, họ rào ngõ đi duy nhất ra đường, buộc gia đình chị phải trèo tường hoặc đi nhờ ra sân nhà người khác. Qua khiếu nại tranh chấp không hoà giải được, gia đình chị Đào làm đơn khởi kiện ra toà. Bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Thanh Liêm buộc anh Tuân, Thuần tháo gỡ rào cản, trả lại lối đi cho gia đình chị Đào. Nhưng tại phiên phúc thẩm, toà án nhân dân tỉnh Hà Nam đã bác yêu cầu đòi lại lối đi của gia đình chị Đào. Tư vấn cho chị Đào về vấn đề này, luật sư Kiên cho rằng bản án phúc thẩm có nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Văn phòng luật sư sẽ phối hợp với báo NTNN giúp gia đình chị trong vụ việc này. Sau khi nghe tư vấn của luật sư, nỗi niềm như được sẻ chia, chị Đào đã khóc oà. Chị hy vọng sớm được các cơ quan giúp đỡ để không phải cõng mẹ già yếu leo tường hay đi nhờ qua nhà khác. Cũng liên quan đến tranh chấp trong gia đình, ông Nguyễn Thanh Hải (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) giãi bày, trước khi qua đời cách đây 30 năm, bố mẹ cho ông thừa kế mảnh đất gần 800m2. Mấy chục năm qua ông vẫn sống yên ổn trên đó. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông Hải bị 4 anh em trong nhà đòi chia thừa kế số đất bố mẹ để lại cho ông. Họ dọa khởi kiện ra toà. Tư vấn cho ông Hải, luật sư Kiên cho biết: Vấn đề này khá rõ, hiệu lực thừa kế đã không còn thời hạn và ông có quyền quyết định số tài sản trên. Nhờ báo NTNN “điều tra” Ông Nguyễn Văn Khuynh (Hồng Đức, Ninh Giang, Hải Dương) bức xúc, năm 1990, gia đình ông thuê một mảnh đất của địa phương để kinh doanh. Năm 2003, nhà nước cho chuyển đổi khi đất thành đất thổ cư, bán cho dân làm nhà ở. Để có chỗ ở yên ổn, gia đình ông đã xin được đấu thầu được 2 suất đất cho các con trưởng thành cần đất ở. Trúng được 2 suất, ngoài phí đấu thầu gia đình ông còn phải đóng thêm 20 triệu đồng “xây dựng quê hương”. Năm 2005, ông bà thuê thêm một địa điểm khác để làm ăn nhưng luôn bị người khác phá phách. Gia đình đã yêu cầu chính quyền xã can thiệp nhưng không được giải quyết. Về vấn đề này, luật sư Trương Thị Pha tư vấn: Chính sách của nhà nước chuyển đất thuê thành đất thổ cư cho người dân qua đấu thầu là hoàn toàn đúng. Người dân phải mua hồ sơ và nộp lệ phí đấu thầu. Việc ông bị đóng số tiền 20 triệu đồng “xây dựng quê hương” nếu có là hoàn toàn tự nguyện. Ai bắt ông đóng thì người đó vi phạm luật. Nếu ông cho rằng chính quyền ủng hộ đối tượng phá huỷ tài sản của mình, ông cần làm đơn trình báo công an. Ông Khuynh nấn ná, nhờ NTNN về viết bài điều tra, giúp ông đưa sự việc ra ánh sáng.… Sau buổi tư vấn, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho NTNN biết: “ Qua nhiều buổi tư vấn, tôi cảm nhận cấp cơ sở giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân chưa được thuyết phục, nên họ không hiểu hết được vấn đề. Do đó, người dân sẽ khiếu nại kéo dài, chưa tin vào tư vấn của cấp cơ sở. Chúng ta cần công khai chế độ, chính sách, quy trình thực hiện các thủ tục hành chính. Giải thích rõ ràng quền lợi, nghĩa vụ của người dân, để dân hiểu, dân tin, dân chấp hành. Như thế mới hạn chế được việc khiếu nại vượt cấp. Có lẽ, cần phải có những khoá đào tạo, những lớp đào tạo về tư vấn pháp luật cho các cán bộ cấp cơ sở để giúp cho người dân nhiều hơn”. Theo báo Nông Thôn Ngày Nay