XUNG QUANH DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ, LUẬT SƯ NGUYỄN HỒNG BÁCH: Hạn chế quyền lợi của dân? Luật sư Nguyễn Hồng Bách hiện là Chủ tịch Hội đồng tư vấn, Văn phòng Luật sư Hồng Bách và Cộng sự ( Đoàn luật sư thành phố Hà Nội). Theo khoản 1, Điều 19 dự thảo Luật Thủ đô sẽ có rất nhiều người dân không thể đăng ký thường trú tại Hà Nội vì không đủ điều kiện về thu nhập, hoặc chưa đủ thời gian tạm trú (5 năm). Quy định như thế có bất công với người lao động? - Theo khoản 1 Điều 19 Dự thảo Luật Thủ đô lần 3, ngoài các điều kiện đã được pháp luật về cư trú quy định ,công dân muốn đăng ký thường trú ở Thủ đô phải đáp ứng các yêu cầu: a) Đã tạm trú liên tục tại thủ đô từ 5 năm trở lên; có văn bản chứng minh về chỗ ở; b) Người lần đầu đăng ký thường trú phải chứng minh có việc làm hợp pháp với mức lương ít nhất bằng hai lần mức lương tối thiểu. Việc dự thảo Luật Thủ đô quy định các điều kiện để được đăng ký thường trú ở thủ đô cao hơn Luật cư trú là sự giới hạn quyền công dân ở mức độ cao hơn, vi phạm nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. (Điều 52 - Hiến pháp năm 1992), đồng thời phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật VN. Tôi rất không đồng tình với quy định điều kiện điểm b Khoản 1 nói trên, vì đây rõ ràng là một quy định có tính chất phân biệt, đối xử đối với công dân dựa trên thu nhập, đi ngược lại bản chất nhân dân của nhà nước ta và dễ dàng gây phản cảm trong dư luận xã hội. Quyền tự do cư trú gắn liền với quyền tự do đi lại, là hai quyền rất quan trọng đối với việc phát triển của mỗi cá nhân và của toàn xã hội. Các quyền này đã được ghi nhận và bảo vệ bằng cả pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Trong dự thảo luật Thủ đô có nhiều điểm “ vượt quá ” so với quy định của Hiến pháp và luật pháp hiện hành của nước ta hiện hành. Như vậy có bất cập hay không? - Hà Nội là thủ đô, trái tim của cả nước nên tất yếu Hà Nội sẽ phải có những điểm đặc thù, khác biệt so với các địa phương khác. Tuy nhiên tôi không đồng ý với quan điểm, giải quyết các đặc thù đó bằng cách phá vỡ sự bình đẳng, hạn chế các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân, vi phạm các nguyên tắc của Hiến pháp và Pháp luật quốc tế. Tất cả những vấn đề mà những người ủng hộ dự thảo đưa ra như vấn đề dân nhập cư, áp lực về giá cả, cơ sở hạ tầng, tình trạnh vi phạm pháp luật hoàn toàn có thể giải quyết bằng nhiều biện pháp khác hiệu quả hơn, nhân văn hơn. Hơn nữa, Hà Nội có nhu cầu phát triển, các địa phương khác cũng có nhu cầu phát triển, thậm chí là lớn hơn Hà Nội. Hà Nội có nhiều điều kiện phát triển hơn các địa phương khác, thì phải làm tốt hơn các địa phương khác, chứ không thể có nhiều đặc quyền hơn các địa phương khác. Khi được trao quá nhiều đặc quyền có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, tuỳ tiện, gây ra những hậu quả xấu cho xã hội. Muốn làm việc tại thủ đô cần có giấy phép lao động do sở LĐ – TB & XH cấp, quy định này sẽ khiến cho hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm và có thể xảy ra nhiều tiêu cực. Luật sư nghĩ thế nào về vấn đề này? - Quy định này có tính chất phân biệt đối xử, vi phạm nguyên tắc bình đẳng, trái với Khoản 1 - Điều 5 - Bộ luật Lao động: “Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo”. Đồng thời, quy định trên chắc chắn sẽ gây khó khăn rất lớn cho những người lao động ngoại tỉnh muốn làm việc tại Hà Nội. Mặt khác, nếu quy định này được áp dụng, chắc chắn sẽ còn phát sinh ra nhiều quy định thủ tục, giấy tờ khác nữa… Một thực tế hiển nhiên là, Hà Nội sẽ không thể phát triển nếu không có sự góp sức lao động nhập cư. Muốn kiểm soát được lao động nhập cư, chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ mang tính KT – XH, giúp cho người dân ở các địa phương hạn chế đổ về các đô thị có điều kiện tạo dựng cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các đô thị, đồng thời giảm gánh nặng cho đô thị họ đang cư trú. Đó mới là các làm phù hợp nhất. Xin cảm ơn luật sư ! THẮNG QUANG( thực hiện) Nguồn: Báo Nông thôn ngày nay số 15 ra ngày 21/01/2010