Bạn đang ở đây

chấm dứt hợp đồng lao động

Công ty được quyền cho người lao động nghỉ việc với lý do đi bộ đội ?

Thời gian đọc: 5 Phút
Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự có được coi là căn cứ cho nghỉ việc? Pháp luật quy định trường hợp nào người lao động được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự?

Thưa luật sư trong thời gian qua tôi là lao động của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây Ban chỉ huy quân sự địa phương có giấy báo tôi nhập ngũ. Lấy lý do này, ban lãnh đạo Công ty đã cho tôi nghỉ việc để đi bộ đội. Tôi không đồng tình với lý do cho nghỉ của Ban lãnh đạo Công ty, Luật sư cho tôi hỏi Ban lãnh đạo Công ty cho tôi nghỉ có đúng quy định pháp luật hay không? Xin cảm ơn luật sư !

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Theo đó, mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Nhà nước.

Theo quy định tại Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân đủ 18 tuổi đến 25 tuổi sẽ phải thực hiện đi nghĩa vụ Quân sự. Đối với sinh viên đang theo học chính quy tại các trường Đại học hay Cao đẳng thì có thể tạm hoãn đến năm 27 tuổi.

Người lao động có thể được xét tạm hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự trong một số trường hợp đặc biệt. Ảnh minh họa:Internet. 

Đối với người đang có hợp đồng lao động thì vẫn có thể được xét tạm hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự nếu thuộc vào các diện sau:

- Người lao động là lao động duy nhất trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân bị mất khả năng lao động hoặc thân nhân chưa đến tuổi lao động.

- Người lao động là lao động duy nhất trong gia đình bị thiệt hại nặng nề về tài sản và người trong các thiên tai, tai nạn, dịch bệnh nguy hiểm. Điều này phải được xác nhận bởi Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Có xác nhận chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ. Bản xác nhận này phải được Hội Đồng khám sức khỏe nghĩa vụ cấp.

- Lao động thuộc diện di dân, giãn dân đến các xã đặc biệt khó khăn theo các dự án về kinh tế – xã hội của Nhà Nước, có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên cấp.

- Người lao động là cán bộ, viên chức, công chức, thanh niên xung phong được lệnh điều động đến công tác tại các vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

- Người lao động có anh chị em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ hoặc là hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân.

- Người lao động là con của liệt sĩ hoặc thương binh hạng 1.

Đồng thời, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 30 Bộ luật lao động 2019 thì đối tượng Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự thuộc một trong các trường hợp được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Cụ thể:

Điều 30. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

a) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

Như vậy, việc Ban lãnh đạo Công ty cho bạn nghỉ với lý do bạn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự là sai. Bạn có thể yêu cầu Công ty thanh toán cho mình các chế độ theo quy định của pháp luật do Ban lãnh đạo Công ty đơn phương chấm dứt Hợp đồng trái các quy định pháp luật. Trường hợp các Bên không thống nhất được phương án giải quyết tranh chấp thì bạn có thể khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

Thời gian đọc: 4 Phút
Cách tính những ngày người lao động không được làm việc theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019.

Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động mà người lao động đã có công việc mới, đóng bảo hiểm xã hội trước khi khởi kiện vụ án lao động hoặc trước khi Tòa án xét xử thì ngày người lao động không được làm việc quy định tại Điều 41 BLLĐ năm 2019 được hiểu là tính đến ngày Tòa án ra bản án hay đến ngày người lao động có công việc mới? (Bạn Hoàng Hải Hà ỏ Hoàng Mai, Hà Nội hỏi).

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý.

Bộ luật lao động 2019.

Cách tính những ngày người lao động không được làm việc theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019. 

Các nội dung cần chú ý

Khoản 1 Điều 41 BLLĐ năm 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:

Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định chi tiết hoặc hướng dẫn về cách tính những ngày người lao động không được làm việc trong trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, có thể tham khảo cách tính những ngày người lao động không được làm việc tại Giải đáp số 6183/VKSNDTC-V14 ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp vướng mắc về pháp luật dân sự, hành chính như sau:

Trường hợp người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nhưng họ đã có công việc mới, đóng bảo hiểm xã hội trước khi khởi kiện hoặc trước khi Tòa án xét xử thì những ngày người lao động không được làm việc trong quy định trên được hiểu là tính đến ngày người lao động có công việc mới.

Về bản chất, khoản tiền người sử dụng lao động phải trả cho người lao động trong những ngày người lao động không được làm việc trong trường hợp này là khoản tiền bồi thường thiệt hại cho người lao động bị giảm thu nhập do hành vi trái pháp luật của người sử dụng lao động gây ra. Trong khi đó, về nguyên tắc, pháp luật luôn đòi hỏi chủ thể có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình. Việc tính những ngày người lao động không được làm việc đến ngày Tòa án ra bản án có thể dẫn đến việc người lao động lợi dụng quy định, cố tình không tìm việc làm mới để được người sử dụng lao động bồi thường.

Do vậy, chúng tôi cho rằng nội dung giải đáp trên của Vụ 14 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là có cơ sở và có thể vận dụng để giải quyết câu hỏi của bạn./.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn