Bạn đang ở đây

người nước ngoài

Quy định về việc cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam được miễn trừ ngoại giao

Thời gian đọc: 5 Phút
Ngày 23/8/2023, Bộ Ngoại giao ban hành Quyết định 2286/QĐ-BNG công bố thủ tục hành chính mới về việc thực hiện cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài được miễn trừ ngoại giao thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Ngoại Giao.

Thủ tục cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam được miễn trừ ngoại giao quy định như sau:

Trình tự thực hiện:

- Bộ Ngoại giao (Cục Lễ tân Nhà nước/Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc.

- Bộ Ngoại giao (Cục Lễ tân Nhà nước/Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh) kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ và yêu cầu bổ sung nếu cần.

- Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Ngoại giao (Cục Lễ tân Nhà nước/Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh) trả ra kết quả là thẻ tạm trú cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam bằng hình thức trực tiếp.

Quyết định 2286/QĐ-BNG công bố thủ tục hành chính mới về việc thực hiện cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài được miễn trừ ngoại giao thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Ngoại Giao. Ảnh minh họa: nguồn Internet.

Cách thức thực hiện:

- Đối với các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Hà Nội: đăng ký và khai hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của Bộ Ngoại giao, nộp hồ sơ trực tiếp/gửi qua dịch vụ bưu chính đến Cục Lễ tân Nhà nước.

- Đối với các cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào): đăng ký và khai hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của Bộ Ngoại giao, nộp hồ sơ trực tiếp/ gửi qua dịch vụ bưu chính đến Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phần, số lượng hồ sơ:

- Công hàm đề nghị cấp thẻ tạm trú của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, trong đó ghi rõ các thông tin: họ tên, ngày sinh, quốc tịch, giới tính, số và ký hiệu hộ chiếu, nghề nghiệp, chức vụ của người đề nghị cấp thẻ tạm trú (tham khảo mẫu NA6 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 của Bộ Công an).

Đối với trường hợp thay biên chế hoặc bổ sung biên chế mới của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam thì công hàm đề nghị cấp thẻ tạm trú cần ghi rõ họ tên, chức danh của người được thay biên chế hoặc người được bổ sung biên chế.

- Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú (theo mẫu NA8 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 của Bộ Công an), có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

- Hộ chiếu bản gốc, còn giá trị sử dụng.

- Trường hợp thuộc diện tăng biên chế của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cần bổ sung công hàm của Bộ Ngoại giao nước cử thông báo về việc tăng biên chế.

Thời hạn giải quyết:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Bộ Ngoại giao (Cục Lễ tân Nhà nước/Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh) xem xét cấp thẻ tạm trú.

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

- Thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc.

Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính: Cục Lễ tân Nhà nước, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.

Quyết định 2286/QĐ-BNG có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn:

Xem chi tiết và tải Quyết định 2286/QĐ-BNG tại đây:
 

Tệp đính kèm: 

Quy định về sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam

Thời gian đọc: 7 Phút
Những năm gần đây, lượng người nước ngoài đến Việt Nam liên tục tăng. Song song với đó là những vấn đề về chính sách, pháp lý áp dụng cho người nước ngoài cần được giải thích, làm rõ. Một trong số các vấn đề lớn là pháp luật về nhà ở đối với nước ngoài tại Việt Nam.

Câu hỏi: Chào Luật sư! Tôi là người có quốc tịch Úc, đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Do công việc ổn định nên tôi có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi đang băn khoăn vấn đề tôi là người nước ngoài nên có thể bị hạn chế gì về việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Vậy rất mong nhận được giải đáp từ Luật sư. Xin cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách có ý kiến tư vấn như sau:

1. Quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Điều 5 và Điều 169 của Luật Đất đai Việt Nam năm 2013 về Người sử dụng đất Nhận quyền sử dụng đất, thì người nước ngoài không thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Do vậy, trường hợp bạn là người nước ngoài thì không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (mua đất) tại Việt Nam.

2. Quyền sở hữu nhà ở

Tuy không được công nhận quyền sử dụng đất và “mua đất”, nhưng bạn vẫn có thể được sở hữu nhà tại Việt Nam, với một số điều kiện nhất định theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, cụ thể là quy định về Đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Theo đó, đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

“a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);

c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam”.

Và theo Điều 159, người nước ngoài chỉ được sỡ hữu nhà tại Việt Nam thông qua một số hình thức sau:

“a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ”.

Như vậy, tuy không được cấp quyền sử dụng đất, nhưng pháp luật Việt Nam vẫn cho phép những người là công dân nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam như trường hợp của bạn, được phép mua nhà ở (căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng) nếu bạn đáp ứng được một số điều kiện như đã nêu ở trên.

3. Số lượng nhà ở cá nhân nước ngoài được pháp sở hữu tại Việt Nam

Cá nhân và tổ chức nước ngoài chỉ được phép sở hữu một số lượng nhà ở nhất định. Số lượng và cách thức xác định số lượng nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng được quy định chi tiết tại Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở năm 2014 và Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở.

Theo đó, cá nhân nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.

Trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều tòa nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% số căn hộ của mỗi tòa nhà chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa nhà chung cư này.

Đối với một tòa nhà chung cư (kể cả nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp) thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sử dụng không quá 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của tòa nhà đó. Trường hợp tòa nhà chung cư có nhiều đơn nguyên hoặc nhiều khối nhà cùng chung khối đế thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của mỗi đơn nguyên, mỗi khối nhà.

4. Thời hạn sử dụng nhà ở của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Thời hạn sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt cũng bị giới hạn về mặt thời gian theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở năm 2014.

Theo đó, thì cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận. Khi hết hạn, nếu chủ sở hữu có nhu cầu thì có thể được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ; Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có có quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.

“Trước khi hết hạn sở hữu nhà ở theo quy định của Luật này, chủ sở hữu có thể tặng cho hoặc bán nhà ở này cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; nếu quá thời hạn được sở hữu nhà ở mà chủ sở hữu không thực hiện bán, tặng cho thì nhà ở đó thuộc sở hữu nhà nước”, theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở.

Trên đây là những nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề bạn đang vướng mắc, nếu cần làm rõ thêm bất kỳ vấn đề nào khác, vui lòng phản hồi với chúng tôi:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Phòng 403, tầng 4 số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn