Bạn đang ở đây

Ly hôn thuận tình khi bị đơn vắng mặt được không?

30/03/22 16:31:15 | Lượt xem: 285
Thời gian đọc: 9 Phút
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.

Xin chào Luật Hồng Bách! Tôi đang có vướng mắc về pháp lý cần được các Luật sư tư vấn, nội dung như sau: Vợ chồng tôi sống ly thân đã hơn 12 năm do chồng tôi định cư ở Mỹ.

Thời gian vừa qua chồng tôi về nước thăm gia đình, tôi chủ động đề nghị ly hôn để cả hai giải phóng cho nhau và tìm con đường mới vì thực chất chúng tôi không còn tình cảm với nhau nữa. Chồng tôi cũng đồng ý và đã ký vào đơn xin thuận tình ly hôn. Nhưng khi Tòa án triệu tập ra Tòa để giải quyết việc ly hôn của chúng tôi thì anh ấy lại có ý định xuất cảnh không chờ Tòa giải quyết.

Vậy xin hỏi, Tòa án có quyền yêu cầu chồng tôi cấm xuất cảnh không? Rất mong sớm nhận được phản hồi của các Luật sư! Tôi xin chân thành cảm ơn!


Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

1. Trường hợp vụ việc được giải quyết theo thủ tục công nhận ly hôn thuận tình:

Thứ nhất, thuận tình ly hôn được giải thích và hướng dẫn rõ tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình như sau: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn".

Như vậy, trường hợp của bạn hai vợ chồng đã thật sự tự nguyện ly hôn và để được coi là thuận tình ly hôn tức là hai bên đã thỏa thuận xong về tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Xuyên suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ việc, vợ chồng bạn đều đồng thuận với kết quả thỏa thuận ban đầu, không phát sinh thêm tranh chấp hoặc không có yêu cầu phản tố và việc xuất cảnh của chồng bạn ở đây không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc, không ảnh hưởng tới các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân bạn thì Tòa án không có cơ sở để áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm xuất cảnh đối với chồng bạn theo quy định tại Điều 128 BLTTDS 2015.

Mặt khác, căn cứ vào Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 02/2020/NQ – HĐTP do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành ngày 24/9/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết việc dân sự quy định tại Phần thứ sáu của BLTTDS, trong đó có Chương XXVIII quy định về thủ tục công nhận thuận tình ly hôn. 
Do đó, trong trường hợp bạn có chứng minh được ý định xuất cảnh của chồng mình và yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm thời là cấm xuất cảnh đối với chồng mình thì yêu cầu này của bạn sẽ không được Tòa án chấp nhận.

Ngoài ra, trong trường hợp chồng bạn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, thì theo quan điểm của chúng tôi vụ việc vẫn sẽ được Tòa án giải quyết theo đúng thủ tục pháp luật, công nhận hai bên ly hôn thuận tình.

Thứ hai, theo Điều 379 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ.

Nếu vợ, chồng hòa giải thành thì đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn. Nếu không hòa giải thành thì Tòa án sẽ công nhận ly hôn thuận tình khi có các điều kiện:

Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;

Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung, chăm sóc, nuôi dưỡng con…

Sự thỏa thuận bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.

Do đó, nếu muốn hòa giải thì phải có sự có mặt của hai bên. Nếu cả hai bên đều mong muốn ly hôn nhưng điều kiện lại không cho phép thì chồng bạn có thể làm đơn xin ly hôn vắng mặt yêu cầu Tòa án xử lý ly hôn vắng mặt. 
Tuy  nhiên trên thực tế khi thực hiện thủ tục ly hôn thuận tình, Tòa án sẽ không giải quyết nếu vợ, chồng vắng mặt để đảm bảo tính “Thuận tình” của vụ việc. 

2. Trường hợp hai bên phát sinh tranh chấp mới trong quá trình làm thủ tục ly hôn thuận tình:

Trong trường hợp này, khi bạn và chồng có phát sinh những tranh chấp mới, hoặc trong thỏa thuận ban đầu của hai vợ chồng có những nội dung mà được Tòa án nhân định là không đảm bảo quyền và lợi ích của các bên thì lúc này Tòa án sẽ xem xét giải quyết vụ việc ly hôn giữa hai bên theo thủ tục chung mà không phải thủ tục công nhận thuận tình ly hôn nữa.

Khi vụ việc được giải quyết theo thủ tục vụ án ly hôn mà chồng bạn có ý định xuất cảnh trở về Mỹ thì căn cứ theo Điều 128 BLTTDS 2015 quy định cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ được hướng dẫn chi tiết tại Nghị quyết 02/2020/NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh được áp dụng khi có đủ 02 căn cứ sau đây:

Chồng bạn sẽ bị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh là đương sự đang bị đương sự khác ở đây là bạn yêu cầu Tòa án buộc phải thực hiện nghĩa vụ;

Việc xuất cảnh của chồng bạn ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, chính bản thân bạn, các cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

Ngoài ra, nếu chồng bạn hiện tại không còn giữ quốc tịch Việt Nam thì Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ mà áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại Điều 28, Điều 29 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Do bạn là người chủ động đề nghị ly hôn nên trong trường hợp này, bị đơn tức là chồng bạn vắng mặt mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa. Chồng bạn chỉ được phép vắng mặt khi có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và đính kèm yêu cầu phản tố nếu có. 

Như đã phân tích ở phần đầu, quan hệ hôn nhân gia đình là một quan hệ phức tạp có lồng ghép nhiều quan hệ pháp luật, các quyền và nghĩa vụ của cá nhân ở trong đó. Vì vậy, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, dù vụ việc của vợ chồng bạn thuộc trường hợp nào nêu trên thì nếu như việc xuất cảnh của chồng bạn không quá cấp thiết, bạn và chồng mình nên cùng đến Tòa án để giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho cả hai, cũng như các con.

Những phân tích nêu trên là đánh giá của chúng tôi và chỉ mang tính chất tham khảo do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ, còn việc quyết định là do Thẩm phán nhận cụ thể về vụ việc. Để được tư vấn chi tiết hơn thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

 

Tin tức liên quan