Bạn đang ở đây

lập công ty

Góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi thành lập doanh nghiệp có được không?

Thời gian đọc: 6 Phút
Theo quy định tại khoản 1 điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tài sản góp vốn trong doanh nghiệp có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam.

Kính chào luật sư. Tôi có nội dung vướng mắc pháp lý như sau, mong luật sư tư vấn, giải đáp hỗ trợ tôi, nội dung sự việc cụ thể như sau:
Tôi và người bạn có định thành lập Công ty để kinh doanh. Tôi dự định góp tiền mặt để tạo vốn kinh doanh của Công ty, còn người bạn của tôi dự định góp vốn quyền sử dụng đất để đưa vào tài sản của Công ty.

Tôi đang băn khoăn việc người bạn tôi đưa Quyền sử dụng đất vào Công ty để kinh doanh có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không? Pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào thưa luật sư? Rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư. Trân trọng cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn về vấn đề góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi thành lập doanh nghiệp, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại khoản 1 điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tài sản góp vốn trong doanh nghiệp có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam.

Do đó, trường hợp nhà nước đã ghi nhận người bạn dự định thành lập Công ty với bạn có quyền sử dụng đất, theo các quy định của pháp luật đất đai thì quyền sử dụng đất đó được phép đưa vào góp vốn trong doanh nghiệp. 

Để quyền sử dụng đất là tài sản góp vốn của thành viên Công ty thì Công ty bạn cần tiến hành thủ tục định giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điều 36 Luật Doanh nghiệp.

Điều 36. Định giá tài sản góp vốn

1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

2. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

bạn có quyền sử dụng đất, theo các quy định của pháp luật đất đai thì quyền sử dụng đất đó được phép đưa vào góp vốn trong doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, để ghi nhận quyền sử dụng đất của người bạn là tài sản của Công ty thì Công ty cần tiến hành thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản sản góp vốn theo quy định tại khoản 1 điều 35 Luật doanh nghiệp. Cụ thể:

1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;

b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.

Căn cứ theo các quy định của luật đất đai việc chuyển quyền sử dụng đất từ người bạn của bạn sang Công ty các bên phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi có thửa đất tọa lạc.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề pháp lý góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi thành lập doanh nghiệp bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
 

Soạn điều lệ cho công ty TNHH cần những điều kiện gì?

Thời gian đọc: 9 Phút
Điều lệ công ty là văn bản thỏa thuận giữa những chủ sở hữu công ty với nhau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc được sửa đổi trong quá trình hoạt động. Soạn điều lệ đối với công ty TNHH một cách đúng nhất gồm những bước nào?

Chào Luật sư! Hiện nay tôi đang muốn thành lập công ty TNHH nhưng chưa biết cách soạn thảo điều kệ để đăng ký thành lập công ty. Mong Luật sư tư vấn giúp tôi về cách sạn thảo điều lệ một cách phù hợp. Nếu được tôi mong muốn được bên công ty Luật xây dựng điều lệ giúp tôi.

Cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Điều lệ công ty là gì?

Điều lệ công ty là văn bản thỏa thuận giữa những chủ sở hữu công ty với nhau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc được sửa đổi trong quá trình hoạt động. Đây là sự cam kết, ràng buộc các thành viên trong một quy định chung cũng như đặt ra các nguyên tắc cơ bản trong nội bộ doanh nghiệp về tổ chức, quản lý doanh nghiệp. Theo đó, điều lệ được ví như một bản Hiến pháp của doanh nghiệp. Tất cả các văn bản, quyết định của doanh nghiệp được ban hành không được trái với điều lệ công ty và pháp luật. Tuy nhiên, việc soạn thảo điều lệ công ty phải trên cơ sở các quy định của luật doanh nghiệp.

Loại hình kinh doanh nào cần xây dựng điều lệ công ty?

Theo quy định của luật doanh nghiệp 2020, các loại hình doanh nghiệp như công ty hợp danh, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần đều phải có điều lệ công ty. Đối với doanh nghiệp tư nhân không bắt buộc phải có điều lệ nhưng để dễ dàng trong việc quản lý, vận hành, chủ doanh nghiệp tư nhân nên cân nhắc soạn thảo điều lệ hoặc quy chế nội bộ cho doanh nghiệp của mình.

Nội dung cơ bản của điều lệ công ty

Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động. Dù thuộc trường hợp nào thì một bản điều lệ phải có các nội dung chủ yếu được quy định tại điều 24 luật doanh nghiệp 2020 như sau:

Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);

Ngành, nghề kinh doanh;

Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;

Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá từng loại cổ phần của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;

Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;

Cơ cấu tổ chức quản lý;

Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;

Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên;

Trường hợp thành viên, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;

Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;

Trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;

Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.

Điều lệ công ty khi đăng ký doanh nghiệp phải bao gồm họ, tên và chữ ký của những người sau đây:

Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;

Chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

Thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

Cổ đông sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty cổ phần.

Điều lệ công ty được sửa đổi, bổ sung phải bao gồm họ, tên và chữ ký của những người sau đây:

Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh;

Chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần.

Các mẫu điều lệ công ty phổ biến

Hiện nay, điều lệ công ty đều phải có các nội dung chủ yếu như đã phân tích ở trên. Ngoài ra, tùy vào loại hình doanh nghiệp cũng như định hướng phát triển, quản trị mà chúng ta phải xây dựng mẫu điều lệ hoạt động khác nhau để phù hợp với doanh nghiệp của mình. Dưới đây là mẫu điều lệ mới nhất theo tinh thần của luật doanh nghiệp 2020 của các loại hình doanh nghiệp phổ biến gồm.

Mẫu điều lệ công ty cổ phần;

Mẫu điều lệ công ty TNHH hai thành viên trở lên;

Mẫu điều lệ công ty TNHH một thành viên.

Hướng dẫn cách soạn thảo điều lệ công ty

Hướng dẫn cách soạn thảo điều lệ công ty

Để soạn thảo điều lệ doanh nghiệp, trước tiên các cổ đông phải tiến hành họp, thỏa thuận với nhau về những nội dung cơ bản trong cơ cấu, tổ chức, hoạt động cũng như định hướng quản trị của doanh nghiệp. Sau đó, cần liệt kê các nội dung bắt buộc phải có theo luật doanh nghiệp 2020 như chúng tôi đã phân tích ở mục 3 trên đây. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể thêm các nội dung khác để linh hoạt trong việc soạn thảo, áp dụng điều lệ. Tuy nhiên, cần lưu ý những điều khoản này không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Nguyên tắc khi soạn thảo điều lệ công ty

Điều lệ được ví như bản Hiến pháp của doanh nghiệp. Do đó, khi viết điều lệ công ty chúng ta phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản như sau:

Điều lệ không được trái với quy định của pháp luật (quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, pháp luật về thuế, kế toán…).

Điều lệ là một hợp đồng nhiều bên dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thoả thuận để quy định các quyền và nghĩa vụ của các bên, tổ chức, quản lý, hoạt động của Công ty.

Điều lệ công ty phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Dịch vụ soạn thảo điều lệ công ty của luật Hồng Bách và Cộng sự

Do đặc thù của từng công ty, ngành nghề nên bạn có thể liên hệ trực tiếp  với chúng tôi hoặc qua văn phòng để được tư vấn cụ thể đối với vấn đề của bạn.

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Thủ tục mở văn phòng tổ chức phi lợi nhuận đại diện nước ngoài tại Việt Nam

Thời gian đọc: 6 Phút
Mở văn phòng đại diện tại Việt Nam cần thực hiện các thủ tục gì?

Chào Luật sư! Chúng tôi là một Hiệp hội diễn đàn sức khỏe được thành lập tại Đức, Hiệp hội hoạt động với mục đích phi lợi nhuận. Hiện nay, chúng tôi có mong muốn mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Vậy cho chúng tôi hỏi chúng tôi phải thực hiện các thủ tục gì?

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Luật Hồng Bách.

Đối với câu hỏi của bạn chúng tôi đưa ra nội dung tư vấn cơ bản như sau:

Văn bản pháp luật tra cứu

Nghị định 12/2012/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;

Thông tư 05/2012/TT-BNG hướng dẫn Nghị định 12/2012/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành.

Luật Hồng Bách tư vấn sơ bộ

Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định 12/2012/NĐ-CP:

“1. “Tổ chức phi chính phủ nước ngoài” là các tổ chức nêu tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định này””.

Khoản 2 Điều 1 Nghị định 12/2012/NĐ-CP quy định:

“2. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, các quỹ xã hội, quỹ tư nhân, hoặc các hình thức tổ chức xã hội, phi lợi nhuận khác, được thành lập theo luật pháp nước ngoài, có hoạt động hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận hoặc các mục đích khác tại Việt Nam”.

Căn cứ thông tin của Quý khách hàng cung cấp, Hiệp hội hoạt đông với mục đích phi lợi nhuận do đó Hiệp hội được coi là một “Tổ chức phi chính phủ nước ngoài”.

Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 12 Nghị định 12/2012/NĐ-CP :

“Điều 12. Thủ tục cấp Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện

1. Tổ chức phi chính phủ nước ngoài muốn đăng ký lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Đã được cấp Giấy đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này.

b) Có cam kết hoạt động dài hạn thông qua các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt.

c) Đã hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam trong thời gian ít nhất hai năm.

d) Văn phòng đại diện chỉ được đặt tại một trong 3 (ba) thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh”.

Khoản 2 Điều 8 Thông tư 05/2012/TT-BNG quy định:

“2. Về điều kiện cấp Giấy đăng ký lập Văn phòng Đại diện, Khoản c, mục 1 điều 12 Nghị định số 12/2012/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể hơn như sau: Tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam trong thời gian ít nhất hai năm liên tiếp trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy đăng ký Lập Văn phòng Đại diện”.

Như vậy, để có thể xin cấp Giấy đăng ký lập văn phòng đại diện thì trước hết Hiệp hội diễn đàn sức khỏe phải xin cấp Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam. Sau khi hoạt động hiệu quả ít nhất trong 2 năm liên tiếp thì Hiệp hội mới được xem xét cấp Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện và chỉ được đặt tại một trong ba thành phố là Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Danh mục hồ sơ đề nghị cấp Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam

Đơn đề nghị do người đứng đầu của tổ chức ký đề gửi Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài;

Một bản sao Điều lệ của tổ chức đã được hợp pháp hóa lãnh sự;

Một bản sao chứng nhận tư cách do cơ quan có thẩm quyền nơi tổ chức đặt trụ sở chính cấp (phải được hợp pháp hóa lãnh sự);

Thông tin của người dự kiến làm đại diện tại Việt Nam

Thư bổ nhiệm do người đứng đầu của tổ chức ký;

Lý lịch cá nhân

Bản sao hộ chiếu

 Lý lịch tư pháp được hợp pháp hóa lãnh sự

Kế hoạch hoạt động tại Việt Nam

Tài liệu khác (nếu có): MOU với đối tác Việt Nam, bản sao văn kiện dự án, ….

Dịch vụ Pháp lý Luật Hồng Bách cung cấp

Soạn thảo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam (Thời gian hoàn thiện hồ sơ: 03 (ba) ngày làm việc;

Đại diện theo ủy quyền của Quý khách hàng để nộp hồ sơ và nhận kết quả hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức phi chính phủ tại các cơ quan hữu quan (Thời gian dự kiến hoàn thành 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc).

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn