Bạn đang ở đây

Các hành vi cần chú ý trong hoạt động khuyến mãi vào các dịp Lễ, Tết

04/01/22 09:41:36 | Lượt xem: 32
Thời gian đọc: 12 Phút
Khuyến mại là một trong những phương thức nhằm kích ứng hành vi mua hàng của khách hàng. Đây đang là một trong những phương pháp được ưu tiên sử dụng của các công ty, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh.

Thưa luật sư! Công ty tôi hiện này đang kinh doanh các mặt hàng theo thời vụ các mặt hàng như đồ hoa quả, trang trí Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sắp tới, để đẩy nhanh doanh số kinh doanh của công ty, chúng tôi đang có nhu cầu để hoạt động khuyến mãi các mặt hàng. Tuy nhiên, tôi biết mọi hoạt động đều có những trường hợp mà Pháp luật nghiêm cấm. Mong luật sư tư vấn giúp tôi các hành vi nào thì tôi không được phép làm để tôi cân nhắc và tránh vi phạm.

Xin cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật Thương mại 2005;

Nghị định 81/2018/NĐ – CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động khuyến mại.

Hoạt động khuyến mại là gì?

Khuyến mại là một trong những phương thức nhằm kích ứng hành vi mua hàng của khách hàng. Đây đang là một trong những phương pháp được ưu tiên sử dụng của các công ty, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh. Dưới góc độ pháp lý, hoạt động khuyến mại được Luật Thương mại 2005 định nghĩa như sau:

Điều 88. Khuyến mại

1. Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.

2. Thương nhân thực hiện khuyến mại là thương nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Thương nhân trực tiếp khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh;

b) Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó.

Nên chúng ta có thể hiểu khuyến mại là một trong những hình thức kích thích hành vi mua hàng của khách hàng mà các công ty, doanh nghiệp được phép triển khai. Việc thực hiện cần được tuân thủ theo đúng quy định, đúng yêu cầu của Luật Thương mại hiện hành.

Mặc dù khuyến mại để bán hàng là hoạt động phổ biến của thương nhân, do thương nhân tiến hành như một nhu cầu tất yếu để cạnh tranh mở rộng thị phần nhưng đối với các doanh nghiệp thương mại, việc khuyến mại để mua hàng, gom hàng cũng có thể trở thành nhu cầu cần thiết.

Đáp ứng yêu cầu thực tế này, pháp luật hiện hành quy định khuyến mại là hoạt động thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (chứ không phải chỉ là xúc tiến việc bán hàng như trước đây).

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khuyến mại

Khuyến mại là quyền của thương nhân trong hoạt động kinh doanh. Các cơ hội khuyến mại mà người mua hàng thường nhận được là một vấn đề rất nhạy cảm vì do cạnh tranh nó có thể tạo ra những khó khăn cho người khác, có thể đụng chạm tới khách hàng và tính lành mạnh của môi trường kinh doanh. Để ngăn ngừa những tác động tiêu cực này Pháp luật đã quy định một số các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại. Cụ thể tại Điều 100 bộ Luật Thương mại 2005 quy định như sau:

Điều 100. Các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại

1. Khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng.

2. Sử dụng hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng.

3. Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi.

4. Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

5. Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng.

6. Khuyến mại để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khoẻ con người và lợi ích công cộng khác.

7. Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân.

8. Hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.

9. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

10. Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định tại khoản 4 Điều 94 của Luật này.

Như vậy theo quy định trên thì tại Khoản 10 có nhắc tới hạn mức tối đa. Vậy hạn mức tối đa sẽ được quy định như thế nào?

Các hành vi cần chú ý trong hoạt động khuyến mãi vào các dịp Lễ, Tết. Ảnh minh họa

Hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa dịch vụ dùng để khuyến mại

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP thì hạn mức tối đa cụ thể như sau:

Điều 6. Hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại

1. Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại, Điều 8, Khoản 2 Điều 9, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định này.

2. Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại, Điều 8 và Khoản 2 Điều 9 Nghị định này.

3. Giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp thương nhân thực hiện khuyến mại không trực tiếp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa hoặc không trực tiếp cung ứng dịch vụ dùng để khuyến mại, giá trị được tính bằng giá thanh toán của thương nhân thực hiện khuyến mại để mua hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại hoặc giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại tại thời điểm công bố;

b) Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa của thương nhân đó trực tiếp sản xuất, nhập khẩu hoặc cung ứng dịch vụ, giá trị được tính bằng giá thành hoặc giá nhập khẩu của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.

4. Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Chương trình khuyến mại tập trung theo quy định tại Khoản 4 Điều này gồm:

a) Chương trình do cơ quan nhà nước (cấp trung ương và cấp tỉnh) chủ trì tổ chức, trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của Quốc gia, của địa phương. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung. Mọi thương nhân đều được quyền tham gia vào các chương trình;

b) Các đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động, gồm:

- Đợt Tết Âm lịch: 30 ngày ngay trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch;

- Các ngày nghỉ lễ, tết khác. Thời hạn khuyến mại của từng đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết không được vượt quá thời gian nghỉ của các dịp lễ, tết tương ứng theo quy định của pháp luật lao động.

Vậy về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại (Trừ các trường hợp chương trình khuyến mại tổ chức theo hình thức tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại).

Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa dịch vụ được khuyến mại

Trong trường hợp thực hiện các khuyến mại bằng hình thức giảm giá thì mức giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trong thời gian khuyến mại tại bất kỳ thời điểm nào phải tuân thủ quy định tại Điều 7 Nghị định 81/2018/NĐ – CP cụ thể như sau:

Điều 7. Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại

1. Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.

2. Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 thì áp dụng mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%. Mức giảm giá tối đa 100% cũng áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho:

a) Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước;

b) Hàng thực phẩm tươi sống;

c) Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, việc pháp luật quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại là hoàn toàn cần thiết, với mục đích bảo vệ lợi ích nhà nước, người tiêu dùng cũng như việc giữ gìn đạo đức kinh doanh của các thương nhân, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các thương nhân trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Khuyến mại không chỉ là một hình thức pháp lý để xúc tiến thương mại ở Việt Nam mà còn được ghi nhận và chịu sự điều chỉnh của luật pháp phần đa các nước có nền kinh tế thị trường phát triển.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Phòng 403 tầng, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Tin tức liên quan