Bạn đang ở đây

Chuyên mục "CHUYÊN GIA TƯ VẤN" tháng 9/2011

15/07/21 16:04:00 | Lượt xem:
Thời gian đọc: 32 Phút
 Chuyên mục "CHUYÊN GIA TƯ VẤN" tháng 9/2011   TUẦN 1 Câu 1: Bác Đào Duy Bằng ở Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà nội có hỏi: Từ năm 1971 đến năm 2003, tôi công tác tại công ty lắp máy 69-1 Bắc Ninh thuộc Tổng Công ty lắp máy Việt Nam. Nghề nghiệp là thợ lái cẩu hạng nặng. Từ năm 2003 cho đến nay chuyển về công tác tại Ga Yên Viên, cũng vẫn là thợ lái cẩu hạng nặng, chuyên cứu hộ, cứu viện ngành đường sắt. Đến nay, tôi đã có 40 năm công tác liên tục làm công việc nặng nhọc, độc hại. Mấy năm gần đây, khám định kỳ, bác sĩ đều kết luận không đủ sức khỏe làm việc. Năm 2010, được lãnh đạo Ga thông báo không đủ sức khỏe làm việc. Vậy tôi có đủ điều kiện nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội và hưởng 75% lương cơ bản không? Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Trường hợp của bác đủ điều kiện hưởng lương hưu thuộc một trong hai trường hợp: Điều kiện hưởng lương hưu thông thường (Điều 50), điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động (Điều 51), mức lương hưu hưởng hàng tháng (Điều 52). Chúng tôi xin nêu rõ như sau để anh Bằng tham khảo: Điều 50. Điều kiện hưởng lương hưu 1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi; b) Nam từ đủ năm mươi lăm tuổi đến đủ sáu mươi tuổi, nữ từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định. 2. Người lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Nam đủ năm mươi lăm tuổi, nữ đủ năm mươi tuổi, trừ trường hợp Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật công an nhân dân có quy định khác; b) Nam từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi, nữ từ đủ bốn mươi lăm tuổi đến đủ năm mươi tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Điều 51. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật này đã đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1. Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên; 2. Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành. Điều 52. Mức lương hưu hằng tháng 1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 58, Điều 59 hoặc Điều 60 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. 2. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%. 3. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung. Bác có thể căn cứ vào các quy định nêu trên để đối chiếu với trường hợp của mình.     Câu 2: Ông Trần Hữu Chí ở khu Tân An, xã Liên Hải, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định hỏi: Chúng tôi là giáo viên. Những người nghỉ hưu từ 1990 trở về trước được quy đổi số năm công tác để tính % lương hưu, có người tới 90% số lương hiện hưởng. Những người nghỉ hưu từ năm 2000 đến nay thì lại được hưởng chế độ vượt khung. Chúng tôi nghỉ hưu ở quãng giữa (từ năm 1990 đến 2005) không được quy đổi để tính % tối đa và cũng không được chế độ vượt khung như hiện nay. Như vậy liệu có công bằng?   Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Các chính sách và pháp luật về an sinh xã hội của do Đảng và Nhà nước ban hành đều phải dựa trên rất nhiều yếu tố, đảm bảo sự phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ, có sự dung hòa giữa lợi ích của cá nhân với lợi ích chung của xã hội. Do đó, theo tôi chúng ta không nên đặt ra sự “công bằng hay không” giữa các thời kỳ, giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội. Mặt khác, cùng với sự phát triển chung của đất nước, các chế độ an sinh xã hội của nhà nước ta cho toàn dân cũng đang không ngừng được nâng cao, giai đoạn sau bao giờ cũng tốt hơn giai đoạn trước.   Câu 3: Thính giả Trần Thị Ngừng ở thôn Tân Dương, xã Thái Hưng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình hỏi: Tôi đi bộ đội, xuất ngũ đi học, rồi về tiếp tục công tác ở công ty phục vụ đường sắt Sài Gòn. Quá trình về địa phương, tôi không để ý đến giấy tờ, quyết định của công ty phục vụ đường sắt Sài gòn. Nay, tôi nghe chế độ của Nhà nước, tôi mới xem lại giấy tờ thì đơn vị tính sai cho tôi cả số năm đi bộ đội, đi học, đi công tác tại đơn vị. Tôi phải làm gì để khỏi thiệt thòi thời gian công tác của mình?     Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Bạn không cung cấp cho chúng tôi thông tin những giấy tờ ghi sai số năm đi bộ đội, đi học và đi công tác tại đơn vị là những giấy tờ gì, nên chúng tôi không thể tư vấn cho bạn cụ thể được. Tuy nhiên, bạn có thể liên hệ với Công ty và các cơ quan có liên quan, đề nghị họ tiến hành xác minh, đính chính lại các thông tin bị sai lệch cho bạn.      TUẦN 2 Câu 1: Ông Nguyễn Văn Cư ở thôn Tri Chỉ, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc trình bày như sau: Tôi tham gia công tác từ ngày 16/10/1954 là công nhân lái xe trong ngành đường sắt thuộc tổng cục đường sắt Việt Nam, qua nhiều đơn vị công tác. đến năm 1981, không may do vi phạm kỷ luật tài sản nhà nước bằng 10 tấn than, tôi bị Tòa án tỉnh Bắc Thái tuyên phạt 12 tháng tù giam. Do cải tạo tốt, nên tôi chỉ phải chịu hình phạt 5 tháng 12 ngày thì được tha. Khi ra trại, tôi bị cơ quan cắt quân số lái xe buộc thôi việc trả về địa phương. Bản thân tôi thấy quá thiệt thòi. Vì ngay tại cơ quan có người cũng phạm tội mà vẫn được nhận lại cơ quan. Điều mà tôi băn khoăn hiện nay là: tại sao, người về hưu hoặc mất sức không may bị đi tù khi ra tù lại được hưởng chế độ (như quyết định 613 ngày 6/5/2010 của Thủ Tướng Chính phủ). Còn tôi vẫn đang tại chức khi vi phạm bị đi tù, khi ra tù lại bị cơ quan cắt quân số trả về địa phương mà không được khoản tiền nào. Thời gian công tác của tôi là 26 năm 10 tháng. Như vậy có đúng không?   Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: - Quyết định 613/QĐ – TTg ngày 06/05/2010 của Thủ tướng chính phủ về việc trợ cấp cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động. - Thông tư số 16/2010/TT – BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quyết định 613/QĐ – TTg ngày 06/05/2010 của Thủ tướng chính phủ về việc trợ cấp cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động. Tại phần cuối Điều 1 Thông tư số 16 quy định: Đối tượng quy định tại tiết a, b, c khoản này được thực hiện trợ cấp hàng tháng khi người bị phạt tù đã chấp hành xong hình phạt tù hoặc khi người bị toà án tuyên bố là mất tích trở về hoặc người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp. Nội dung trên là lý do mà bác Cư thắc mắc, tại sao những đối tượng khi đã về hưu hoặc nghỉ mất sức mà phạm tội và bị đi tù, sau khi ra tù lại được hưởng trợ cấp. Trong khi đó bác bị phạt tù án treo lúc đang còn lao động, sau khi bị buộc thôi việc về địa phương, suốt bao năm nay không mắc sai phạm gì mà lại không được hưởng trợ cấp? Chúng tôi xin trả lời thắc mắc của bác Cư như sau: Đối tượng hưởng trợ cấp theo Quyết định 613 là những người hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động. Tức là trước đó những người này đã được hưởng một chế độ trợ cấp mất sức lao động, nhưng nay đã hết thời hạn thì được trợ cấp tiếp theo. Những người này là đối tượng hưởng trợ cấp theo Quyết định số 60/HĐBT ngày 01/3/1990 về việc sửa đổi chế độ trợ cấp đối với công nhân viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động và Quyết định số 812/TTg ngày 12/12/1995 Về việc bổ sung đối tượng hưởng trợ cấp mất sức lao động dài hạn; trợ cấp thêm đối với người hưu trí cô đơn và công nhân viên chức là quân nhân chuyển ngành về hưu. Như vậy trước đây bác Cư không được hưởng trợ cấp mất sức lao động theo các điều kiện tại Quyết định số 60/HĐBT ngày 01/3/1990 và Quyết định số 812/TTg ngày 12/12/1995 nên nay không đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Quyết định số 613/QĐ – TTg ngày 06/05/2010 mà bác nêu.   Câu 2: Thính giả Nguyễn Khắc Phan ở thôn Trúc, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng: Ngày 15/12/2010, tôi đến thỏa thuận hợp đồng lao động với Công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ Toàn Thắng địa chỉ 135-137 Toàn Thắng, phường Cát Bi- Hải Phòng. Nội dung hợp đồng ghi: tôi làm bảo vệ, thời gian 1 năm. Ngày 11/2/2011, tôi có đơn xin chấm dứt hợp đồng bởi lý do cá nhân. Ngày 21/2/2011, tôi về công ty lĩnh lương và gặp trực tiếp giám đốc. Giám đốc trả lời: việc này, bác chờ từ 30 đến 45 ngày, công ty tìm được người thay thế sẽ cho bác nghỉ. Sau đó không thấy hồi âm. Tôi liên tục gọi điện về phòng Nhân sự, và nhiều lần trực tiếp đến công ty gặp giám đốc nhưng không gặp được. Ngày 28/3, sau 45 ngày có đơn xin chấm dứt hợp đồng, tôi trực tiếp mang đơn xin thanh lý hợp đồng đến gặp giám đốc nhưng không được, tôi phải gửi đơn lại cho nhân viên phòng Nhân sự. Chỗ làm việc của tôi là ở phường Hùng Vương, phải làm bảo vệ 12h/ngày, Ngày 26/4, tôi gọi điện về phòng nhân sự báo là tôi sẽ chỉ làm việc đến hết ngày 30/4. Sáng ngày 1/5, tôi đến công ty đưa thư báo nghỉ việc.Trưởng phòng nhân sự tên Sơn bảo tôi để lại quần áo, tư trang, phù hiệu, khi nào giám đốc duyệt sẽ gọi điện đến làm thủ tục. Ngày 10/5, tôi gọi điện đến thì 1 nhân viên công ty hẹn tôi sáng hôm sau đến làm việc. Hôm sau, tôi đến gặp anh Sơn thì lại hẹn đến 20/5. Sáng 20/5, tôi đến thấy các nhân viên đang lĩnh lương. Tôi cũng xếp hàng lĩnh lương, vì tháng 4 tôi chưa nhận lương nhưng không được phát với lý do tên tôi không có trong danh sách. Tôi quay lại gặp giám đốc thì giám đốc trả lời: bác hợp đồng với công ty làm việc 1 năm nhưng chưa đến hạn lại tự ý bỏ việc khi chưa được sự đồng ý của giám đốc. Tôi lại trình bày lại từ đầu là tôi chỉ nghỉ sau 82 ngày có đơn xin nghỉ việc. Nhưng giám đốc chối phắt đi, kể cả việc ông ấy hứa với tôi lúc đầu. Giờ tôi phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình.   Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Căn cứ theo điểm d, khoản 1, Điều 37, Bộ luật Lao động thì : “ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một năm đến 3 năm, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới 1 năm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong trường hợp bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng”. Bác Phan có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn theo quy định nêu trên. Tuy nhiên trước khi nghỉ việc bác Phan cần báo trước cho công ty một thời hạn là 30 ngày (khoản 2 Điều 37 Luật lao động sửa đổi năm 2002). Hết thời hạn đó bác có quyền nghỉ việc, công ty không thể nại ra lý do chưa tìm được người thay thế để gây khó khăn, không thanh toán các quyền lợi cho bác. Về việc thanh toán các chế độ quyền lợi cho bác, Bộ luật lao động năm 1995 quy định tại Điều 43 như sau: Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Nếu công ty vi phạm vào các quy định nêu trên của luật lao động thì bác Phan có quyền khiếu nại tới Giám đốc công ty hoặc khởi kiện ra tòa án bằng một vụ án lao động để đề nghị tòa án giải quyết bảo vệ quyền lợi.     TUẦN 3 Câu 1: Thính giả Trần Thu Trang ở Hải Bắc, Hải Hậu, Nam Định có thư viết: Mẹ tôi mất năm 1993, bố tôi mất năm 2010. Trước khi bố tôi mất khoảng 3 năm, bố tôi có lập di chúc với nội dung để lại 2/3 diện tích đất đai của bố tôi cho co con dâu thứ 2 (chồng cô này đã mất) với điều kiện là cô này phải chăm sóc, phụng dưỡng bố tôi tới lúc bố tôi qua đời. Lúc này bố tôi đã bị liệt, mọi sinh hoạt phải phục vụ tại chỗ. Bản di chúc này được sự đồng ý của tất cả anh chị em chúng tôi và được UBND xã chứng thực. Nhưng sau khi lập di chúc một thời gian ngăn thì em dâu tôi không đảm nhận được việc chăm sóc phụng dưỡng bố tôi mà tất cả các anh chị em phải chia ca thay nhau chăm sóc tới lúc bố tôi qua đời. Như vậy là cô em dâu tôi không thực hiện theo di chúc của bố tôi nên anh chị em chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất là để lại cho em dâu tôi 1/3 số diện tích do bố tôi để lại. Chúng tôi làm như vậy có được không hay chúng tôi phải thực hiện theo đúng di chúc? Nếu làm được thì phải làm theo trình tự nào?   Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Thứ nhất: “Giao nghĩa vụ cho người thừa kế” là một trong những quyền cơ bản của người lập di chúc ( Điều 648 Quyền của người lập di chúc, khoản 4). Như vậy, di chúc bố bạn để lại là di chúc có điều kiện. Theo Điều 643, khoản 1, điểm b Bộ luật dân sự cũng quy định rõ về những người không được quyền hưởng di sản nếu: “ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản”. Tuy nhiên,theo thông tin bạn cung cấp thì sau khi lập di chúc một thời gian ngắn, em dâu bạn đã không thực hiện được nghĩa vụ, mà tất cả các anh chị em phải chia ca thay nhau chăm sóc bố. Tại thời điểm này, nếu bố bạn biết rõ việc con dâu không thực hiện được nghĩa vụ đã nêu trong di chúc, mà không có gì thay đổi thì được coi là “ đã biết hành vi và vẫn cho được hưởng di sản” ( Điều 643, khoản 2, Bộ luật dân sự). Vậy trong trường hợp này, em dâu của bạn vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế.   Thứ hai: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết, và chỉ người lập di chúc mới có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc (Điều 662 Sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc Bộ luật dân sự). Do đó, các anh chị em trong gia đình không có quyền tự ý định đoạt khối di sản mà bố bạn để lại theo di chúc.   Câu 2: Thính giả Ngô Thị Lan ở Việt Hưng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương: Bố mẹ em sinh được 6 chị em gái chúng em. 7 năm trước em bị ốm, thần kinh không ổn định nên nghe mọi người nói lại là em có cãi chửi lại bà nội nên ông bà rất giận. Nay em đã chữa khỏi bệnh, đã đi làm bình thường. Ông bà nội em sinh được 3 người con, có mỗi bố em là con trai nhưng ông bà di chúc để lại đất cát cho 2 cô. Theo em biết là chồng mất thì vợ được quyền thửa hường, vợ mất con trai được thừa hưởng, con mất cháu được thừa hưởng. Em muốn hỏi là di chúc của ông em như vậy thì có hiệu lực hay không. Tờ bìa đỏ đất đai đứng tên bà, hiện chỉ còn bà còn sống, ông đã mất. Chúng em là gái, có đuợc hưởng phần đất của ông bà để thờ phụng gia tiên hay không? Vì em nghe các cô em nói là đất cát ông bà cho, các cô không ở, sẽ bán lấy tiền để chia nhau.   Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Thứ nhất:Pháp luật hiện hành quy định về hai hình thức thừa kế: thừa kế theo pháp luật và thừa thế theo di chúc: -                                Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự do pháp luật quy định. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng khi người có di sản không để lại di chúc. -                                Thừa kế theo di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.Thừa kế theo di chúc được coi là có hiệu lực khi đáp ứng đầy đủ quy định về nội dung ( Điều 653, 652 BLDS), hình thức ( Điều 649 BLDS). Từ những căn cứ pháp luật nêu trên, áp dụng vào trường hợp của bạn có thể thấy :Trường hợp của gia đình bạn là thừa kế theo di chúc, tài sản được định đoạt theo ý chí của ông bà, và chỉ những người có tên trong di chúc mới được hưởng di sản. Do bạn chưa cung cấp đủ thông tin, nên chúng tôi không thể xác định rõ hiệu lực của di chúc mà ông bà bạn để lại, bạn có thể tham khảo các quy định đã dẫn chiếu để biết rõ hơn.  Thứ hai: Đối với câu hỏi của bạn về phần đất dành cho việc thờ cúng. Theo Điều 670 BLDS quy định: “ Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng…”. Như vậy, trong di chúc của ông bà bạn thì không có phần di sản dùng cho việc thờ cúng, nên toàn bộ di sản được chia cho những người có tên trong di chúc.   TUẦN 4 Câu 1: Thính giả Lý Văn Khiêm, dân tộc Nùng ở thôn Khòn Xây, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn: Người quản lý và bảo vệ rừng có nguồn nước có được quản lý sử dụng nguồn nước đó hay không? Nước từ rừng có được gọi là tài nguyên rừng hay không? Tài nguyên rừng khác tài nguyên nước như thế nào? Năm 1992 tôi làm đơn xin nhà nước cho quản lý và bảo vệ rừng. Năm 1994 tôi được chia diện tích rừng quản lý cùng chú ruột là Lý Văn Khon và Lý Văn Hít cùng nhiều hộ dân khác trong thôn và được cấp sổ xanh. Tới năm 2000 thì được cấp sổ đỏ. Năm 2001, ông Lý Văn Khon đã ngang nhiên chặt phá cây trồng ở diện tích nhà tôi và anh Lý Văn Xô cùng một số hộ dân thì kéo vòi lấy nước từ phần rừng của tôi đi làm gia đình tôi không còn nước để sản xuất. Gia đình tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền thôn cho sử dụng nguồn nước hoặc được thu phí sử dụng nước mà không được giải quyết? Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Pháp luật Việt Nam hiện tại có : - Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 1991; - Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; - Luật tài nguyên nước năm 1998 Tài nguyên nước và tài nguyên rừng là khác nhau. Người sử dụng hợp pháp tài nguyên phải được cấp giấy phép. Giấy phép sử dụng tài nguyên nước khác với giấy phép khai thác hay quản lý rừng. Bạn Lý Văn Khiêm được chia diện tích rừng để quản lý, bạn được cấp giấy phép quản lý rừng. Nếu bạn muốn quản lý cả nguồn nước ở rừng thì cũng cần có giấy phép sử dụng tài nguyên nước. Chỉ khi có giấy phép bạn mới có quyền ngăn cản các hành vi xâm phạm khác của người khác. Khi xảy ra tranh chấp về tài nguyên nước, Luật bảo vệ tài nguyên nước Điều 62 quy định: Điều 62. Giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước 1. Nhà nước khuyến khích việc hòa giải các tranh chấp về tài nguyên nước. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc hòa giải các tranh chấp về tài nguyên nước phù hợp với quy định của pháp luật. 2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp loại giấy phép về tài nguyên nước nào thì có trách nhiệm giải quyết khiếu nại phát sinh từ việc thực hiện giấy phép đó. Trong trường hợp đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật. 3. Những tranh chấp khác về tài nguyên nước được giải quyết theo quy định của pháp luật.       Câu 2: Thính giả Bùi Thanh Điệp ở xóm Riệc I, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: Năm 2008, UBND huyện Lạc Sơn có chủ trương cải tạo nâng cấp ao, hồ, đập chứa nước để phục vụ trồng trọt. Xã Mỹ Thành đã nâng cấp lại hồ chứa ở xóm Riệc I, nơi gia đình em đang sinh sống. Ở phần hạ lưu của đập, chính quyền đã san lấp đồi đang có cây trồng của gia đình để làm đường trở vật liệu vào công trình mà không có đền bù. Phần thượng lưu của đập là nơi gia đình đang sinh sống, lâu nay gia đình vẫn ven theo bờ đập mà đi lại. Từ khi nâng cấp lại bờ đập thì gia đình đi lại rất khó khăn, không có đường đi, mùa mưa nước ngập gần tới nhà ở của gia đình. Đến nay gia đình vẫn không có sự đền bù nào từ chính quyền xã Mỹ Thạnh. Vậy trường hợp của gia đình có được đền bù gì hay không?   Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Liên quan tới các quy định về bảo vệ tài nguyên nước. Việc chính quyền địa phương xây dựng đập nước là chính quyền đã thực hiện vai trò của chủ thể quản lý, sử dụng tài nguyên nước. Nếu việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân thì chủ sử dụng phải chịu trách nhiệm đền bù, bồi thường. Luật bảo vệ tài nguyên nước quy định tại điều 23 về Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Điểm e quy định: Thực hiện nghĩa vụ tài chính; bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật. Khi có tranh chấp xảy ra, anh Điệp có thể khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định sau: Điều 62. Giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước 1. Nhà nước khuyến khích việc hòa giải các tranh chấp về tài nguyên nước. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc hòa giải các tranh chấp về tài nguyên nước phù hợp với quy định của pháp luật. 2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp loại giấy phép về tài nguyên nước nào thì có trách nhiệm giải quyết khiếu nại phát sinh từ việc thực hiện giấy phép đó. Trong trường hợp đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật. 3. Những tranh chấp khác về tài nguyên nước được giải quyết theo quy định của pháp luật.  

Tin tức liên quan