Bạn đang ở đây

Chuyên mục "CHUYÊN GIA TƯ VẤN" tháng 8/2011

15/07/21 16:04:00 | Lượt xem:
Thời gian đọc: 27 Phút
NỘI DUNG CHUYÊN MỤC “CHUYÊN GIA TƯ VẤN” THÁNG 8/2011 TUẦN 1: Câu 1. Thính giả Hoàng Thị Biên ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội: Vợ chồng tôi mua một mảnh đất làm nhà ở được 7 năm, chỉ có giấy viết tay, chưa làm sổ đỏ. Nay vợ chồng tôi ly hôn thì mảnh đất này có được đem ra chia tài sản hay không? Tôi nghe nói đất không có sổ đỏ thì khi ly hôn, tòa án sẽ thu hồi nhà đất đó về cho Nhà nước, không biết có đúng không? Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Theo bạn trình bày thì trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng bạn đã tham gia một giao dịch dân sự là nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy vợ chồng bạn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng nếu nhà và đất không có tranh chấp thì đó là tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của vợ chồng bạn. Trong quá trình giải quyết việc ly hôn, nếu các bạn đưa tài sản nhà và đất trên vào tranh chấp thì tòa án sẽ tiến hành giải quyết theo luật định. Trong trường hợp này vì giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên về mặt hình thức là chưa hợp pháp bởi vì pháp luật quy định việc chuyển nhượng quyền sử đụng đất phải được lập bằng văn bản và có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, tòa án sẽ mời cả bên chuyển nhượng đến và nếu vợ chồng bạn và bên chuyển nhượng không có tranh chấp gì thì tòa án vẫn tiến hành giải quyết bình thường. Tài sản nhà và đất này được coi là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và về nguyên tắc thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi. Luật pháp của nhà nước ta tôn trọng quyền về tài sản của công dân. Do đó, không có việc khi giải quyết ly hôn, tòa án sẽ thu hồi tài sản hợp pháp của đương sự để trả cho nhà nước.   Câu 2. Bác Đào Tùng Mậu ở đội 11, Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội: Bố tôi là cụ Đào Văn Đĩnh có mua của cụ Ba Hạ một thửa đất có diện tích 209m2 nói là cho cháu Đào Văn Tụ, là con trai của tôi. Thế nhưng năm người con khác của bố tôi không thống nhất nên UBND xã đã họp ngày 16/3/2006 giao thửa đất 209m2 này cho tôi quản lý và đứng tên làm sổ đỏ. Thế nhưng đến nay vẫn chưa làm được sổ đỏ vì còn có tranh chấp mà tôi cũng chưa rõ là còn tranh chấp với ai? Theo tôi được biết thì mảnh đất này, cháu Đào Văn Sơn (là con của em trai tôi - ông Đào Văn Nghiệp) đã bán cho ông Lê Ngọc Chi. Tôi đã gửi đơn đến Ủy ban kiểm tra thành ủy, thường vụ huyện ủy, thanh tra đảng ủy xã Đa Tốn mà không được giải quyết. Sự việc của bác Đào Tùng Mậu, luật sư trả lời như sau: Bác Mậu không nói rõ là bố bác, cụ Đào Văn Đĩnh đã mất hay còn sống ? Nhưng theo nội dung bác trình bày thì cụ Đĩnh đã mua thửa đất có diện tích 209m2 nói là cho cháu Đào Văn Tụ. Nếu việc cho đó không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật là phải lập hợp đồng tặng cho có công chứng, chứng thực hoặc cụ Đĩnh mất đi để lại di chúc hợp pháp trong đó thể hiện di nguyện là để lại cho cháu Tụ thửa đất, thì thửa đất 209m2 vẫn được coi là tài sản hoặc di sản (nếu cụ Đĩnh đã chết) của cụ Đĩnh. Năm 2006 bác Mậu được UBND xã giao quản lý và đứng tên quyền sử dụng thửa đất, nội dung này bác Mậu không nói rõ là có được sự đồng ý của 5 người con khác của cụ Đĩnh hay không (trong trường hợp cụ Đĩnh đã chết)? Khi các bên tranh chấp thì UBND xã sẽ đề nghị các bên hòa giải chứ không có quyền quyết định thay cho các đương sự. Nếu các đương sự không tự hòa giải được thì UBND xã sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu cụ Đĩnh còn sống thì đây là tài sản của cụ Đĩnh, quyền định đoạt cho ai là thuộc về cụ. Nếu cụ Đĩnh đã chết thì đây là di sản của cụ để lại cho các đồng thừa kế, việc định đoạt phải được sự thỏa thuận nhất trí của những người thừa kế, nếu có tranh chấp thì bác Mậu có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân để chia thừa kế theo pháp luật. Việc anh Đào Văn Sơn là cháu của bác Mậu tự ý bán mảnh đất cho ông Lê Ngọc Chi là hoàn toàn không có thẩm quyền và trái pháp luật. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về chia tài sản thừa kế thuộc về TAND huyện Gia Lâm. Nếu tranh chấp đất đai mà đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thẩm quyền thuộc UBND. Ủy ban kiểm tra thành ủy, thường vụ huyện ủy, thanh tra đảng ủy xã Đa Tốn không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này.     TUẦN 2: Câu 1: Thính giả Lê Hải Nam, ở thôn Quần Mục 2, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng: Trước khi bố tôi đến với mẹ tôi, bố tôi đã có vợ và một con trai (năm nay 54 tuổi). Bố và mẹ tôi sinh được hai anh em tôi và được cấp 400m2 đất ở thôn Kim Sen, xã Kim Sơn, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Năm 1985, bố mẹ tôi ly hôn, bố tôi đi tiếp bước nữa và có thêm hai em. Năm 1987 bố tôi được UBND xã cấp cho 736m2 đất ở tại thôn Gia Mô, xã Kim Sơn, huyện Đông Triều. Năm 1991, mẹ tôi bán nhà và chuyển về Hải Phòng sinh sống. Năm 1992, mẹ kế tôi qua đời. Năm 1995 bố tôi đặt vấn đề quay về với mẹ tôi và mẹ tôi đã đồng ý về ở với bố tôi tại Gia Mô và nuôi dạy hai đứa em cùng cha khác mẹ với tôi. Năm 2000 do vết thương tái phát, bố tôi qua đời không để lại di chúc và được truy tặng Liệt sỹ. Mẹ tôi nuôi dạy hai em trưởng thành. Nay em gái tôi đòi mẹ tôi chuyển lại cho các em quyền sở hữu diện tích 736m2 đất và xúc phạm mẹ tôi nói mẹ tôi cướp đất của các em. Phần đất này trong sổ đỏ đứng tên mẹ tôi. Vậy với phần diện tích đất ở bố tôi để lại thì mẹ tôi và 3 anh em tôi (anh cả con đời vợ trước của bố tôi và hai anh em tôi) có quyền được hưởng một phần diện tích đất ở bố tôi để lại hay không? Căn cứ vào điều khoản nào? Các em tôi nói mẹ tôi cướp đất của các em là đúng hay sai? Thắc mắc của bạn Lê Hải Nam, luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời như sau: Năm 1985 bố mẹ bạn ly hôn, bố bạn lấy vợ thứ hai và đến năm 1987 bố bạn được UBND xã cấp cho 736m2 đất. Như vậy diện tích đất này là tài sản chung của bố bạn và người vợ hai. Đến năm 1992 người vợ hai chết, năm 1995 bố bạn quay về với người vợ đầu là mẹ của bạn. Năm 2000 bố bạn mất, chúng tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà mẹ bạn lại đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất 736m2. Đây là tài sản của bố bạn và người vợ hai, mẹ của bạn, có chăng chỉ có công trông nom, quản lý. Nay bố bạn mất đi thì phần tài sản của bố bạn trong khối tài sản chung với người vợ thứ hai là thửa đất 736m2, đây sẽ là di sản thuộc quyền thừa kế của 4 anh em bạn ( Căn cứ quy định về chia thừa kế từ Điều 631 đến Điều 645 Bộ luật dân sự 2005). Người vợ đầu không được hưởng chia thừa kế vì đã ly hôn. Tuy nhiên vụ việc của bạn có hai điểm cần phải lưu ý giải quyết đó là: Thứ nhất: người vợ đầu lại đang đứng tên trên giấy chứng nhận thửa đất của chồng cũ với người vợ sau. Cần đề nghị cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận thu hồi và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Thứ hai: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế là 10 năm kể từ ngày người để lại di sản thừa kế mất. Bố bạn mất năm 2000 như vậy đến nay là đã hết thời hạn 10 năm. Bạn không nói rõ là trong suốt thời gian từ năm 2000 kể từ khi bố bạn mất đến nay, những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất (các con, bố, mẹ) đã khi nào thỏa thuận việc phân chia di sản thừa kế hay chưa? Nếu các bên đều thừa nhận chưa chia di sản thừa kế thì di sản đó được coi là tài sản chung và chia theo luật định. Trường hợp này bạn nên gặp luật sư để được tư vấn cụ thể hơn.   Câu 2. Thính giả Nguyễn Văn Minh ở phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương: Bố tôi chết đến nay đã được bốn năm. Lúc gần chết có để lại di chúc bằng miệng để lại cho tôi miếng đất và tài sản. Lúc đó có 3 người hàng xóm biết. Vậy di chúc đó có được pháp luật công nhận không? Nếu được thì tôi phải làm như thế nào? Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời Theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 BLDS năm 2005 quy định về di chúc miệng như sau:   “1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. 2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.” (Điều 651 BLDS năm 2005). “Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.” (Khoản 5 Điều 652 BLDS năm 2005) Như vậy, di chúc miệng của bố bạn chỉ có thể được coi là hợp pháp, nếu ngay sau khi bố bạn thể hiện ý chí để lại tài sản cho bạn, những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ và sau đó năm ngày, bản di chúc này phải được công chứng hoặc chứng thực. Đồng thời, những người làm chứng cho việc lập di chúc không phải là những người sau đây (Điều 654 BLDS): 1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; 2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; 3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự. Nếu di chúc miệng của bố bạn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, thì di chúc này sẽ không hợp pháp. Trong trường hợp này, tài sản do bố bạn để lại sẽ được chia theo quy định về thừa kế theo pháp luật quy định tại Chương XIV (Từ Điêu 674 đến Điều 68 ) BLDS năm 2005. Nếu di chúc của bố bạn thỏa mãn các điều kiện được trích dẫn thì di chúc đó là hợp pháp, để nhận đất và tài sản, bạn cần liên hệ tới một văn phòng công chứng hoặc liên hệ tới UBND nơi có đất để kê khai thừa kế.     TUẦN 3 Câu 1. Thính giả Mai Anh Đệ ở xóm Bắc Sơn, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định: Bố mẹ tôi sinh được 7 người con, 5 người đã mất, nay chỉ còn hai anh em và chị dâu. Bố tôi mất năm 1978, mẹ tôi mất năm 1981 không để lại di chúc. Em tôi là con út có hộ khẩu riêng còn ở chung với bố mẹ tôi. Đến khi nhà nước đo đạc cấp sổ đỏ thì tôi mới biết là phần đất bố mẹ tôi để lại mà em tôi ở đã được cấp sổ đỏ từ năm 2005. Tôi được biết là tài sản bố mẹ để lại gắn liền với đất phải có một trong hai loại giấy tờ mới được cấp sổ đỏ là di chúc của bố mẹ hoặc giấy nhượng quyền sử dụng đất của hàng thừa kế. Nay em tôi không có một loại giấy tờ nào mà lại được cấp sổ đỏ. Tôi hỏi thì xã bảo từ năm 1980 trở lại đây mà không có tranh chấp thì được cấp sổ đỏ. Vậy là đúng hay sai? Thắc mắc của bạn Mai Anh Đệ, luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời như sau: Bố bạn mất năm 1978, mẹ bạn mất năm 1981 như vậy là đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, theo quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hạn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế là 10 năm kể từ ngày người để lại di sản thừa kế chết. Hết thời hạn này tòa án sẽ không tiếp nhận yêu cầu chia thừa kế. Tuy nhiên tòa án sẽ tiếp nhận yêu cầu chia tài sản chung của đương sự nếu như các anh chị em đều đồng thuận với nhau về khối tài sản do bố mẹ để lại là chưa chia và không tranh chấp về những người thuộc hàng thừa kế. Khi đó tòa án sẽ tiếp nhận giải quyết vụ việc phân chia tài sản chung. Theo quy định của luật đất đai năm 2003 thì nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất ngay tình, liên tục và không tranh chấp từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 (tất nhiên khi cấp giấy chứng nhận thì phải hoàn thành các nghĩa vụ về thuế). Việc năm 2005 người con út được cấp Giấy chứng nhận đối với đất của bố mẹ để lại thì cần phải xem xét xem có hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho hay di chúc của bố mẹ để lại thừa kế không ? Nếu có hợp đồng tặng cho hoặc có di chúc hợp pháp thì các cấp giải quyết cấp GCN là đúng. Cũng có thể do việc sử dụng lâu năm, người con út đã có tên trong hồ sơ địa chính của địa phương. Do vậy khi kê khai cấp Giấy chứng nhận, các cơ quan đã căn cứ vào thông tin trong hồ sơ địa chính để cấp. Nay bạn Đệ muốn bảo vệ quyền lợi cho mình thì việc đầu tiên cần làm là có đơn gửi tới cơ quan đã cấp giấy chứng nhận, yêu cầu kiểm tra lại hồ sơ cấp giấy và nếu thiếu cơ sở pháp lý thì đề nghị phải hủy bỏ giấy chứng nhận.   Câu 2. Bác Nguyễn Ngọc Minh ở xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên hỏi: Tài sản của bố mẹ cho các con, nay con cái không nuôi được bố mẹ, bố mẹ có quyền lấy lại một phần bán đi để đảm bảo cuộc sống được không? Tôi có khu đất khoảng 2 ha, tôi bán cho con gái năm 2003, cho nợ tiền tới năm 2008. Tới nay con tôi vẫn chưa trả hết tiền, tôi có đòi thì con tôi bảo phải làm sổ đỏ thì nới trả tiền. Vậy tôi phải làm thế nào? Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời bác Minh như sau: Việc tặng cho tài sản, pháp luật quy định như sau: Theo quy định tại điều 466 Bộ luật dân sự thì nếu tài sản tặng cho là động sản thì thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản là việc tặng cho có hiệu lực pháp lý. Khi đó tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên được tặng cho. Bên tặng cho không có quyền đòi lại. Điều 467 Bộ luật dân sự quy định: nếu tài sản tặng cho là bất động sản thì việc tặng cho phát sinh hiệu lực khi việc tặng cho đã đăng ký. Như vậy việc tặng cho khi đã làm đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật thì đó trở thành tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người được tặng cho, người cho không có quyền đòi lại. Về việc bác Minh bán đất cho con gái năm 2003, cho nợ tiền đến năm 2008, nhưng tới nay vẫn chưa trả hết tiền, bác có quyền yêu cầu người con thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Nếu không bác có quyền khởi kiện ra tòa án đề nghị giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.     TUẦN 4 Câu 1. Bác Nguyễn Thị Xuân ở Lộc Hạ, Yên Hồng, Ý Yên, Nam Định: Tôi có con là Cù Minh Dương, đang công tác tại Học viện Quốc phòng. Năm 2004, con tôi có làm đơn được Học viện Quốc phòng và cục cán bộ Tổng cục Chính trị giải quyết nhà ở ưu đãi cho con liệt sỹ bằng việc có Quyết định thu hồi căn hộ P11-T1, A8 khu tập thể Bắc Nghĩa Tân của ông Trần Văn Hùng, nguyên Phó giám đốc Học viện QP để cấp cho con tôi theo. Ông Hùng đã được cấp đất nơi khác. Thế nhưng mãi con tôi không được giao nhà. Tìm hiểu tôi biết căn hộ trên Học viện Quốc phòng đã hợp thức hóa tên con tôi để ông Hùng bán từ trước năm 2001. Đã có 4 văn bản thu hồi căn hộ ông Hùng mà không thu hồi được. Vậy tôi phải làm sao? Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Việc bảo vệ quyền lợi cho con trai bác không phải là Quyết định thu hồi căn hộ của ông Trần Văn Hùng, mà phải là Quyết định phân cấp nhà của cơ quan Học Viện quốc phòng cho con trai bác. Có thể là trong cùng một quyết định của cơ quan có hai nội dung, thu hồi của người này và giao cho người khác. Tuy nhiên cần phải làm rõ rằng nội dung của quyết định thể hiện rõ là cơ quan phân cấp nhà cho con trai bác, căn nhà đó phải có địa chỉ cụ thể. Mặt khác, trước khi con bác được bàn giao nhà, phải có việc bàn giao trả nhà giữa ông Hùng và cơ quan. Nếu bác Xuân thấy cơ quan mãi mà không giao nhà thì cần liên hệ tới cơ quan để được giải quyết. Theo thông tin mà bác cung cấp thì năm 2004 mới có quyết định thu hồi nhà của ông Hùng, trong khi đó ông Hùng đã bán nhà từ năm 2001, ngoài ra cơ quan đã có 4 văn bản thu hồi nhà của ông Hùng mà vẫn không thu hồi được. thì đó cũng là điều đương nhiên vì nhà ông Hùng đã bán rồi thì không thể thu hồi của ông được. Nội dung này bác Xuân cần liên hệ với cơ quan để nắm thêm thông tin và tìm hướng giải quyết. Nếu cơ quan không thu hồi được nhà của ông Hùng thì cần thiết phải phân cấp căn hộ nơi khác cho con bác đảm bảo quyền lợi hợp pháp theo đúng chế độ, chỉ tiêu. Còn việc làm sai giữa ông Hùng và cơ quan thì hai chủ thể đó có trách nhiệm giải quyết với nhau theo luật định. Câu 2. Các thính giả Nguyễn Đình Nam ở thôn Hiền Sỹ, Lê Quang Thuật và Nguyễn Văn Quyến ở thôn Vĩnh Linh, xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương: Doanh nghiệp Thanh Tùng ở 108 quận Tân Biên, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã lắp đặt 4 cây cầu tại khu vực Hải Dương. Trong thời gian bảo hành, doanh nghiệp có thuê chúng tôi trông coi, thống nhất lập thành 2 bản hợp đồng có giá trị pháp lý từ ngày 2/01/2010 với mức lương là 1,5 triệu đồng/1 tháng/1 cầu. Ban đầu, doanh nghiệp đã trả được hơn 5 triệu cho một cây cầu nhưng sau đó, dù đã nhiều lần viết đơn đề nghị nhưng doanh nghiệp vẫn khất lần không thanh toán. Đến ngày 6/5/2011, doanh nghiệp thông tin cho chúng tôi biết đã bàn giao cho bên dự án và chỉ tính đến ngày 1/4/2011. Nhưng từ đó đến nay, chúng tôi đã gọi điện rất nhiều lần và đã gửi đơn 2 lần nhưng vẫn không có hồi âm. Vậy chúng tôi cần phải làm gì để được thanh lý hợp đồng, vì hiện trạng các cây cầu lắp đặt xa khu dân cư, phụ kiện bằng sắt tháo dỡ rất dễ và chưa được thi công nên việc trông coi rất phức tạp.   Thắc mắc của các anh Nam, Thuật, Quyến, luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời như sau: Các anh ký hợp đồng trông coi từ ngày 02/1/2010 với mức thù lao là 1,5 triệu đồng/1 tháng/1 cây cầu. Công ty mới trả được hơn 5 triệu đồng cho một cây cầu tức là khoản tiền thuê trông coi cho hơn 3 tháng. Ngày 06/5/2011 Công ty đã thông tin cho các bạn biết: Công ty đã bàn giao các cây cầu cho bên dự án và chỉ tính tiền công cho các bạn đến ngày 01/4/2011. Do đó, Công ty đã thông báo chấm dứt Hợp đồng với các bạn từ ngày 01/4/2011. Tuy nhiên, do ngày 06/5/2011 Công ty mới thông tin cho các bạn biết và nếu thực tế các bạn vẫn thực hiên nghĩa vụ bảo vệ cầu đến ngày 06/5/2011, thì Công ty có nghĩa vụ thanh toán tiền công cho các bạn đến ngày 06/5/2011. Do vậy vấn đề của các anh là đòi các khoản tiền thù lao thuê trông coi cây cầu trong khoảng thời gian mà các anh đã trông coi. Ngoài ra là yêu cầu bên công ty lập biên bản bàn giao thanh lý hợp đồng thuê, để chấm dứt nghĩa vụ trông coi của các anh, trong trường hợp xảy ra mất trộm các thiết bị của cây cầu. Để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vì điều kiện ở xa, các anh nên gửi văn bản tới công ty, nêu rõ rằng cũng thống nhất yêu cầu thanh lý hợp đồng giữa hai bên (theo thông báo chấm dứt hợp đồng của công ty) và yêu cầu công ty trả hết số tiền công còn lại. Nếu không được hồi đáp hoặc việc giải quyết không thỏa đáng, các anh có quyền làm đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền, yêu cầu giải quyết tranh chấp nghĩa vụ thanh tóa trong hợp đồng trông coi tài sản. Đề nghị tòa án buộc phía công ty phải thanh toán khoản tiền còn thiếu và bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Trong thời gian đó, nếu không có điều kiện trông nom cây cầu, các anh cần thiết phải thông báo rõ cho công ty là kể từ ngày tháng năm nào chúng tôi sẽ không tiếp tục việc trông coi cây cầu nữa. Nội dung này các anh cũng nên báo cho UBND cấp xã nơi có cây cầu để lưu ý việc bảo vệ hoặc báo cho bên dự án. 

Tin tức liên quan