Bạn đang ở đây

Chuyên mục "CHUYÊN GIA TƯ VẤN" tháng 6/2011

15/07/21 16:04:00 | Lượt xem:
Thời gian đọc: 31 Phút
            NỘI DUNG CHUYÊN MỤC "CHUYÊN GIA TƯ VẤN" THÁNG 6/2011   TUẦN 1 : ĐẤT ĐAI Thưa quí vị và các bạn! Trong mục "Chuyên gia tư vấn" hôm nay, Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty Luật hợp danh Hồng Bách & Cộng sự sẽ cùng tháo gỡ một số tình huống liên quan đến việc quản lý đất đai, nhà ở mà thính giả băn khoăn gửi về chương trình: Câu 1: Bác Nguyễn Đức Hùng, thương binh hạng ¼ ở xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn gửi thư về nêu băn khoăn: Vừa qua, tôi có nghe chương trình Tiếp chuyện Bạn nghe đài và được biết thương binh hạng ¼ nếu mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước được hỗ trợ toàn bộ tiền sử dụng đất. Vậy nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là những loại nhà như thế nào? Xin mời Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Thông tin mà bác Hùng nghe được về việc miễn giảm tiền sử dụng đất được áp dụng Theo Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 118/TTg ngày 27/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở. Thương binh là một trong những đối tượng có công với cách mạng được Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ và miễn, giảm tiền nhà ở, đất ở. Theo đó, việc hỗ trợ toàn bộ tiền sử dụng đất chỉ áp dụng cho thương binh trong hai trường hợp: 1. Trường hợp hương binh mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ ở thì được hỗ trợ toàn bộ tiền sử dụng đất. 2. Trường hợp Thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên khi mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước là nhà ở một tầng hoặc nhà ở nhiều tầng có một hộ ở thì cũng được hỗ trợ toàn bộ tiền sử dụng đất. Còn lại Thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 61% đến 80% được hỗ trợ 90% tiền sử dụng đất. Thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao đông do thương tật, bệnh tật từ 41% đến 60% được hỗ trợ 80% tiền sử dụng đất. Về câu hỏi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước gồm những loại nhà như thế nào, luật sư trả lời bác như sau: Theo nghị định số 60/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở tại đô thị, thì nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được quy định tại: Điều 5.- Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước bao gồm: 1. Nhà ở tạo lập bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách Nhà nước; 2. Nhà ở có nguồn gốc sở hữu khác được chuyển thành sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật; 3. Nhà ở nêu tại Khoản 1 điều này có một phần tiền góp của cá nhân, của tập thể theo thoả thuận hoặc theo hợp đồng mua nhà trả góp nhưng chưa trả hết tiền. Cho tới nay Nghị định 60/CP năm 1994 đã hết hiệu lực nhưng chưa có quy định thay thế quy định cụ thể về nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Theo các quy định pháp luật hiện hành bác Hùng có thể hiểu: Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bao gồm nhà ở công vụ, nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhà ở sinh viên, nhà ở cũ hiện đang cho thuê sau khi kết thúc việc bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định 61/CP ngày 05/07/1994 của Chính phủ.   Câu 2: Chúng tôi cũng nhận được thư của thính giả Trần Mạnh Tường ở xóm Tân Ấp, thôn Cẩm La, xã Đông Cao, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Thư viết: Tôi là người đang hưởng chế độ bệnh binh mất 61% sức khỏe và chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tôi có một thửa đất diện tích 390m2 nằm trong quy hoạch khu dân cư, đã được cấp giấy chứng nhận. Nay tôi muốn chuyển thửa đất này làm nhà cho con vậy có được hỗ trợ tiền chuyển quyền sử dụng đất làm thổ cư hay không? Hỗ trợ là bao nhiêu? Đối tượng nào được hỗ trợ? Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Cho tới nay nhà nước đã bãi bỏ quy định về thuế chuyển quyền sử dụng đất, và chế định thay thế là thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, tại Điều 34 Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định về Hiệu lực thi hành là từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 và bãi bỏ các văn bản, quy định sau đây: 1.  Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao số 35/2001/PL-UBTVQH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 14/2004/PL-UBTVQH11; 2. Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất ban hành ngày 22 tháng 6 năm 1994 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/1999/QH10; Quy định của pháp luật trong trường hợp của bác là bác Tường không phải chịu thuế chuyển quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, về thủ tục bác nên làm thủ tục là hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho con.   Câu 3 : Anh Nguyễn Lê Đồng Phúc ở xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc có thư với nội dung: Bố mẹ tôi có một mảnh đất thổ cư được cấp sổ đỏ và đã cho tặng sang đứng tên tôi toàn quyền sử dụng từ năm 2008. Nay bố tôi qua đời, mẹ tôi có ý đòi lại số đất này. Vậy mẹ tôi làm thế đúng hay sai ? Nếu mẹ tôi kiện thì có lấy lại được toàn bộ số đất trên hay không ? Ngày trước bố tôi là chủ hộ, khi chuyển nhượng chỉ mình bố tôi ký vì địa chính xã nói bố tôi là chủ hộ ký là đủ điều kiện. Luật sư Hồng Bách trả lời : Theo Khoản 1 điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình, quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Ngoài ra, theo Tiết b mục 3 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP, tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, mặc dù “sổ đỏ” có thể chỉ ghi tên của bố bạn, nhưng nếu quyền sử dụng đất đó hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì đó là tài sản chung vợ chồng của bố mẹ bạn. Theo Khoản 2 điều 4 Nghị định 70/2001/NĐ-CP, đối với giao dịch có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng có giá trị lớn thì việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch đó cũng phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Do hợp đồng thể hiện việc bố của bạn tặng quyền sử dụng đất cho bạn chỉ có chữ ký của bố bạn nên hợp đồng đó sẽ bị cho là vô hiệu một phần (theo quy định tại Điều 135 Bộ luật dân sự. Một nửa giá trị tài sản thuộc quyền của bố bạn do vậy bố bạn định đoạt cho bạn là không sai. Phần nửa còn lại thuộc quyền của mẹ bạn, bố bạn định đoạt mà không có sự đồng ý của mẹ là sai, phần này bị xem là vô hiệu và mẹ bạn có quyền yêu cầu tòa án buộc bạn phải trả lại cho mẹ. Xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật hợp danh Hồng Bách & Cộng sự.   TUẦN 2: HÔN NHÂN GIA ĐÌNH   Thưa quí vị và các bạn Trong mục "Chuyên gia tư vấn" hôm nay, chúng ta sẽ gặp lại Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty Luật hợp danh Hồng Bách & Cộng sự để cùng tìm hiểu một số vấn đề pháp luật về hôn nhân và gia đình qua một số tình huống cụ thể: Câu  1 : Chị Trần Thị Yến ở tổ 3, phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên có thư viết: Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên đã giải quyết ly hôn giữa tôi và anh Vũ Văn Thinh. Chúng tôi có hai con, tòa giao cho tôi nuôi cả hai cháu. Cháu đầu đã trên 18 tuổi, cháu thứ hai, còn bé nên tòa giải quyết anh Thinh phải đóng góp 150 nghìn/tháng tiền nuôi con. Đến năm 2011, cháu 18 tuổi thì số tiền trợ cấp nuôi con đó bị cắt, trong khi cháu còn đang đi học, rất tốn kém. Vậy tôi có thể yêu cầu anh Thinh phải tiếp tục đóng góp tiền nuôi con hay không? Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời : Theo khoản 1, Điều 92, Luật hôn nhân gia đình quy định: Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Như vậy, cha mẹ chỉ buộc phải cấp dưỡng khi con chưa thành niên, hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động. Đối với con đã thành niên, phát triển bình thường thì dù là học phổ thông hay đại học, không có nghề nghiệp hoặc tài sản gì...thì về mặt nguyên tắc cha mẹ không có nghĩa vụ phải cấp dưỡng. Do đó, chồng cũ của bạn không chu cấp cho con bạn khi đã 18 tuổi là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, về mặt đạo đức và trách nhiệm làm cha mẹ, nếu chồng bạn có điều kiện, bạn nên đề nghị chồng tiếp tục đóng góp tiền nuôi con ăn học cho đến khi con bạn ra trường và có việc làm.   Câu 2 : Thính giả Lưu Ngọc Uỷ ở thôn Liêu Trung, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên gửi thư về Hộp thư công dân với băn khoăn: Con tôi là Lưu Ngọc Thành, 36 tuổi, bị tàn tật bẩm sinh do hậu quả chất độc màu da cam. Con tôi lấy vợ và đã sinh được 1 cháu, nay đã 5 tuổi. Con dâu tôi là Luyện Thị Tuyến, quê ở thôn Đông Phòng, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Gia đình đã di cư tự do vào 14 ấp 3, xã Tân Hưng, thành phố Vũng Tàu. Tháng 3/2008, Tuyến nói vào thăm gia đình rồi ở lại luôn, không quay ra mà chỉ viết thư ra cho phép ly hôn vắng mặt. Thế nhưng toà án huyện không giải quyết, từ chối và đẩy vào toà án Vũng Tàu xử hoặc cô Tuyến phải ra Yên Mỹ để xử. Vậy có đúng không? Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời : Thứ nhất : Do thông tin của bạn chưa đầy đủ nên luật sư xin cung cấp một số quy định của pháp luật về thẩm quyền thụ lý giải quyết ly hôn của tòa án như sau : - Trường hợp ly hôn do một bên yêu cầu thì theo Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự nêu rõ : Tòa án nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết thủ tục sơ thẩm đối với tranh chấp về hôn nhân gia đình hoặc các đương sự có quyền thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi cư trú của nguyên đơn giải quyết. - Trường hợp thuận tình ly hôn thì theo điểm h, khoản 2 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự : Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.  Thứ hai : Về việc ly hôn vắng mặt, theo quy định tại Điều 200 BLTTDS quy định : Bị đơn phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà; Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Toà án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ. Như vậy, nếu trong trường hợp chị Tuyến là bị đơn và được tòa án Yên Mỹ triệu tập đến lần thứ hai mà vắng mặt, thì tòa án vẫn tiến hành xét xử ly hôn mà không cần có sự tham gia của chị Tuyến.   Câu 3 : Chúng tôi cũng nhận được thư của bác Nguyễn Văn Huấn ở thôn Sâu, xã Nghĩa Hoà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Thư viết: Con trai tôi có lập gia đình với chị Nguyễn Thị Hà ở thị trấn Nông trường cam Bố Hạ. Năm 2007, chị Hà đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2009 thì về nước nhưng không chung sống với con tôi nữa. Sau đó hai bên đã cùng ký vào đơn xin ly hôn, gửi ra tòa. Toà án huyện đã triệu tập hai lần nhưng chị Hà đều không có mặt. Cán bộ toà đã tới gia đình nhà chị Hà nhưng bố mẹ chị Hà cho biết là không biết địa chỉ của chị Hà. Sau đó, toà án yêu cầu gia đình tôi phải tìm địa chỉ của chị Hà thì mới đưa ra xét xử. Vậy gia đình tôi phải làm sao? Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời : Trường hợp của vợ chồng chị Hà thuận tình ly hôn là việc dân sự, căn cứ khoản 3 Điều 313 BLTTDS, khi chị Hà được triệu tập đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự. Tuy nhiên, nếu cùng với việc ký đơn thuận tình ly hôn, chị Hà có đơn đề nghị tòa án giải quyết việc ly hôn không cần có sự có mặt của chị Hà thì cũng theo khoản 3 Điều 313 BLTTDS, tòa án vẫn tiến hành giải quyết việc ly mà không có sự tham gia của chị Hà. Trường hợp chị Hà không có đơn đề nghị giải quyết việc ly hôn vắng mặt chị Hà, tòa án đã triệu tập chị Hà hai lần mà vẫn vắng mặt, khi đó tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự. Nếu người chồng vẫn muốn giải quyết dứt điểm việc ly hôn thì cần xác định địa chỉ của vợ để tòa án thụ lý giải quyết vụ án ly hôn theo đúng quy định pháp luật. Xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty Luật hợp danh Hồng Bách & Cộng sự.   TUẦN 3: THỪA KẾ Thưa quí vị và các bạn! Làm thế nào để có thể thừa kế di sản một cách hợp pháp? Chia thừa kế thế nào là đúng pháp luật? Đó là những băn khoăn của không ít thính giả đã gửi về chương trình thời gian qua. Trong chuyên mục "Chuyên gia tư vấn" hôm nay, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, CÔNG TY LUẬT HỢP DANH HỒNG BÁCH & CỘNG SỰ sẽ có những trao đổi với các bạn về vấn đề này: Câu 1 : Bác Nguyễn Viết Toàn ở xóm Trần Phú, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội nêu băn khoăn: Bố mẹ tôi sinh được sáu người con, hai gái và bốn trai là Nguyễn Viết Quý, Nguyễn Viết Phú, Nguyễn Viết Toàn và Nguyễn Viết Hùng. Anh trai thứ ba là Nguyễn Viết Phú đã hy sinh năm 1970, được Nhà nước công nhận là liệt sỹ. Năm 1997 mẹ tôi mất, năm 2001, anh Nguyễn Viết Quý chuyển khẩu về địa phương và cùng tôi lên Uỷ ban nhân dân xã để chia đều mảnh đất của bố mẹ tôi cho 4 người con trai. Tôi là người hương khói cho anh Nguyễn Viết Phú nên được hưởng phần đất của anh Phú do bố mẹ chia cho. Đến nay, anh Nguyễn Viết Hùng ở Lâm Đồng lại gửi đơn kiện về UBND xã, đòi phần đất của anh Nguyễn Viết Phú để sử dụng. Vậy xin hỏi là liệt sỹ thì có được chia phần đất do bố mẹ để lại hay không? Nếu được chia thì người được uỷ quyền trông nom hương khói cho liệt sỹ có được sử dụng hay không? Trường hợp của bác Toàn, luật sư trả lời như sau : Bác Toàn không nói rõ là bố bác còn sống hay đã mất. Tuy nhiên dù cho bố bác Toàn còn sống hay đã mất thì việc bác Toàn và bác Quý tự ý phân chia tài sản của bố mẹ cho 4 người con trai là trái quy định pháp luật. Nếu bố bác Toàn còn sống thì việc phân chia đối với di sản của người mẹ cần sự nhất trí của các đồng thừa kế gồm người bố, 5 người con còn sống và các con của bác Phú (nếu có). Nếu bố bác Toàn đã mất thì việc phân chia di sản của cả bố mẹ cần sự nhất trí của các con còn sống và các cháu là con của bác Phú (nếu có). Năm 2001 chỉ có bác Toàn và bác Quý tự ý phân chia di sản của bố mẹ thì việc chia đó là không hợp pháp. Việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật chỉ được thực hiện trong thời gian 10 năm kể từ ngày người để lại di sản thừa kế chết. Việc phân chia cần có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau thời hạn 10 năm di sản do người chết để lại nếu chưa được chia thì trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế, việc giải quyết phân chia khi đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về phân chia tài sản chung.   Câu 2 : Điện thoại về chương trình, anh Nguyễn Văn Lan ở thôn Thái Bình, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hoà, Hà Nội nêu băn khoăn: Bố và bác tôi được ông bà để lại cho một mảnh đất 150m2. Bác tôi không có gia đình, lại bệnh tật nên ở cùng tôi. Tôi chăm sóc bố và bác tôi nên được các cụ cho ở và sử dụng mảnh đất 150m2. Tôi đã được cấp sổ đỏ đứng tên mình mảnh đất này. Năm 2007, bố tôi mất, không để lại di chúc. Nay các anh em tôi đòi chia thừa kế mảnh đất này? Yêu cầu này có đúng không? Trường hợp của anh Lan, luật sư trả lời như sau : Anh Lan đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đây là một tài liệu chứng cứ quan trọng. Tuy nhiên cần làm rõ là cơ sở nào để anh Lan được cấp giấy ? Có văn bản tặng cho của bố và bác cho anh Lan hay không ? Nếu không có cơ sở pháp lý thì việc cấp sổ đỏ là không đúng quy định pháp luật và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể bị cơ quan chức năng thu hồi và hủy bỏ. Trường hợp xét lại hồ sơ cấp sổ đỏ của anh Lan là hợp pháp thì tài sản đó là thuộc quyền sử dụng của anh Lan, đó không còn là di sản của bố anh Lan nữa. Do vậy các anh em đòi chia thừa kế là không có cơ sở chấp nhận. Trường hợp việc cấp sổ đỏ cho anh Lan là không hợp pháp, do anh Lan tự ý đi làm mà không có tài liệu chứng tỏ ý chí chấp thuận của bố và bác anh Lan thì đầu tiên các anh em của anh Lan có quyền yêu cầu cơ quan cấp sổ đỏ thu hồi và hủy bỏ sổ này. Sau đó các anh em của anh Lan có quyền yêu cầu chia thừa kế đối với phần di sản của bố anh Lan trong khối tài sản chung của bố và bác anh Lan. Xin cảm ơn luật sư Nguyễn Hồng Bách   Câu 3 : Anh Nguyễn Phi Long ở xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh gửi thư về Hộp thư công dân. Nội dung như sau: Ông bà tôi có 6 người con, bố tôi là con trưởng đã mất sớm. Trước kia ông bà tôi có mấy sào ruộng, ông bà có cho chú thứ ba cày cấy và trả thóc cho ông bà sử dụng. Đến khi ông mất, bà về ở với chú út. Chỗ thửa ruộng này, bà định chia một nửa cho chú út để nuôi bà còn một nửa để cho mẹ tôi lo việc cúng giỗ. Nhưng các chú của tôi không đồng ý. Vậy là đúng hay sai? Câu hỏi của anh Long, luật sư trả lời như sau : Việc định đoạt của cha mẹ theo lẽ thường các con cần thuận theo, tuy nhiên khi có bất đồng thì việc giải quyết cần thực hiện theo quy định của pháp luật về vấn đề này. Mấy sào ruộng này là tài sản chung của ông bà. Theo lời trình bày của anh Long thì khi ông bà còn sống đã cho chú thứ ba cày cấy. Vậy việc cho này là cho hẳn và có bằng văn bản có chứng thực của xã, phường hay không ? Nếu đã làm như vậy thì số ruộng kể từ thời điểm đó là tài sản của chú thứ ba, không còn là tài sản của ông bà nữa. Nếu việc cho chỉ là cho miệng theo nghĩa rằng cho chú thứ ba cày cấy tạm thời, trả thóc cho ông bà ăn hàng năm và khi ông bà đòi thì phải trả lại. Theo nghĩa đó thì số ruộng vẫn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông bà. Khi ông mất đi thì một nửa số ruộng vẫn thuộc quyền sử dụng của bà, nửa còn lại là di sản của ông được phép đem chia thừa kế cho các đồng thừa kế bao gồm bà, các con còn sống và các cháu là con của người con trưởng đã mất (anh em anh Long nếu thuộc trường hợp thừa kế thế vị). Như vậy bà chỉ được quyền định đoạt đối với tài sản của bà gồm một nửa số ruộng trong tổng số ruộng chung của ông bà và số ruộng bà được chia cùng với các đồng thừa kế khác đối với di sản của ông.     TUẦN 4 - THUẾ Thưa quí vị và các bạn! Trong chuyên mục "Chuyên gia tư vấn" hôm nay, Luật sư Nguyễn Hồng Bách  - Công ty Luật hợp danh Hồng Bách & Cộng sự sẽ giúp quý vị và các bạn có thêm những hiểu biết cần thiết trong việc thực hiện chính sách Thuế của Nhà nước   Câu 1: Chúng tôi nhận được thư của thính giả Nguyễn Văn Bình ở khối 15, thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La với nội dung: Tôi có duy nhất một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Hiện nay tôi có nhu cầu chuyển nhượng cho người khác. Vậy theo luật thuế thu nhập cá nhân, tôi có phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản hay không? Trường hợp của anh Bình, luật sư trả lời như sau : Căn cứ quy định tại: - Khoản 2, điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007; - Khoản 2, Điều 4 Nghị định 100/2008/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; - Điểm 2, mục III, phần A Thông tư 84/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; - Điều 2 Thông tư số 02/2010/TT-BTC hướng dẫn bổ sung thông tư 84/2008/TT-BTC; Theo đó, Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, thuộc loại thu nhập được miễn thuế. Việc miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định trên chỉ áp dụng đối với cá nhân chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất mà nhà ở, đất ở này đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng. Như vậy, theo nội dung anh Bình trình bày thì trường hợp của anh không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.   Câu 2 Cũng nêu băn khoăn về việc nộp thuế thu nhập cá nhân, chúng tôi còn nhận được thư của thính giả Đặng Đức Tiếp ở tổ 3 phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Thư viết: Vừa qua, tôi có làm thủ tục tặng cho hai cô em ruột hai thửa đất để làm nhà. Khi đến phòng thuế thành phố Thái Nguyên để làm trước bạ, tôi phải nộp thuế thu nhập mỗi bộ hồ sơ là 10% thuế. Về tìm hiểu tôi được biết, mục III, Thông tư 84 năm 2008 có nêu rõ các đối tượng được miễn thuế có trường hợp anh cho em. Vậy tôi xin hỏi: anh ruột cho em ruột đất có phải nộp thuế thu nhập không? Theo sắc thuế nào? Trường hợp của anh Tiếp, luật sư trả lời như sau : Căn cứ quy định tại: - Khoản 4, điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007; - Khoản 4, Điều 4 Nghị định 100/2008/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; - Điểm 4, mục III, phần A Thông tư 84/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; - Điều 3 Thông tư số 02/2010/TT-BTC hướng dẫn bổ sung thông tư 84/2008/TT-BTC; Theo đó, thu nhập từ quà tặng là bất động sản giữa anh chị em ruột với nhau thuộc loại được miễn thuế. Tuy vậy, Đối với các trường hợp quà tặng là hợp đồng góp vốn để có quyền mua nền nhà, căn hộ không được miễn thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp của anh Tiếp nếu không thuộc trường hợp quà tặng là hợp đồng góp vốn để có quyền mua nền nhà, căn hộ thì người được quà tặng sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty Luật hợp danh Hồng Bách & Cộng sự./.  

Tin tức liên quan