Bạn đang ở đây

Chuyên mục "CHUYÊN GIA TƯ VẤN" tháng 12/2011

15/07/21 16:04:00 | Lượt xem: 4
Thời gian đọc: 33 Phút
“CHUYÊN GIA TU VẤN” THÁNG 12/2011     Tuần 01: Câu 1:  Thính giả Ngô Ngọc Sơn ở thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội có thư viết: Từ năm 1972, gia đình tôi được UBND cấp cho một mảnh đất. Qua thiên tai, lụt lội, tôi đã mất hết giấy tờ gì. Nay tôi đóng nghĩa vụ tài chính theo sơ đồ địa chính của phường và UBND thị xã từ năm 1972 đến nay. Vì mâu thuẫn mà khi làm sổ đỏ, gia đình hàng xóm không ký giáp ranh cho gia đình tôi. Tôi làm đơn lên phường thì cán bộ địa chính cắt đất nhà tôi vài mét và bảo rằng đây là đất công. Khi nào hàng xóm nhà tôi cần dùng thì phải xin phép phường. Có như vậy thì hàng xóm mới đồng ý ký giấy tờ cho tôi. Phường giải quyết như vậy có đúng không? Chẳng lẽ đất của nhà tôi sử dụng mà nay lại thành đất công trong khi tài nguyên môi trường đã đo lại năm 2010 vẫn không sai so với bản đồ địa chính. Trong khi nhà hàng xóm nhà tôi làm sổ đỏ thì lại không phải đưa cho tôi ký giáp ranh. Nếu có chữ ký trên giấy tờ của họ thì cũng là giả mạo chữ ký của tôi. Tôi phải làm thế nào để khiếu nại việc này?   Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Việc đo đạc bản đồ địa chính lập hồ sơ thửa đất để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có cần xin chữ ký của chủ sử dụng đất liền kề hay không? Được quy định hướng dẫn tại điểm 6.6 Thông tư 09/2007/TT-BTNMT của Bộ tài nguyên môi trường, như sau: 6.6. Ranh giới thửa đất được xác định khi đo vẽ bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận theo quy định như sau: a) Trường hợp thửa đất xin cấp Giấy chứng nhận có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai mà trong giấy tờ đó thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất (mô tả các mốc ranh giới hoặc ghi kích thước từng cạnh thửa) với các thửa đất liền kề và hiện trạng đường ranh giới của thửa đất không thay đổi so với giấy tờ về quyền sử dụng đất hiện có thì đường ranh giới thửa đất được xác định theo giấy tờ đó; b) Trường hợp thửa đất xin cấp Giấy chứng nhận không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai hoặc có một trong các loại giấy tờ đó nhưng không thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất với các thửa đất liền kề hoặc hiện trạng đường ranh giới của thửa đất đã thay đổi so với đường ranh giới thể hiện trên giấy tờ đó thì việc xác định ranh giới thửa đất thực hiện như sau: - Đơn vị đo đạc lập bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính (gọi chung là đơn vị đo đạc) có trách nhiệm xem xét cụ thể về hiện trạng sử dụng đất, ý kiến của những người sử dụng đất liền kề để xác định và lập bản mô tả về ranh giới thửa đất; chuyển bản mô tả ranh giới thửa đất cho những người sử dụng đất có chung ranh giới thửa đất và người nhận bản mô tả có trách nhiệm ký xác nhận về việc đã nhận bản mô tả này; - Sau mười (10) ngày kể từ ngày nhận được bản mô tả, nếu người nhận bản mô tả không có đơn tranh chấp về ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đó; c) Các cơ quan có trách nhiệm lập hồ sơ địa chính và giải quyết thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận không được buộc người làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận lấy xác nhận của người sử dụng đất liền kề. Trường hợp người sử dụng thửa đất liền kề vắng mặt dài ngày thì đơn vị đo đạc có trách nhiệm chuyển bản mô tả ranh giới thửa đất đó cho Ủy ban nhân dân cấp xã để gửi cho người sử dụng đất liền kề; trường hợp đến khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với thửa đất liên quan đến đường ranh giới đó mà chưa gửi được bản mô tả cho người sử dụng đất liền kề thì Ủy ban nhân dân cấp xã ghi xác nhận vào đơn xin cấp Giấy chứng nhận “Chưa gửi được bản mô tả thửa đất cho…(ghi tên và địa chỉ của người sử dụng đất liền kề vắng mặt)”. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm gửi thông báo ba lần trong thời gian không quá mười (10) ngày trên một trong các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương về việc xác định ranh giới chung của các thửa đất; chi phí cho việc thông báo được tính chung trong chi phí cấp Giấy chứng nhận và được lấy từ nguồn ngân sách. Sau ba mươi (30) ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không có đơn tranh chấp của người sử dụng đất liền kề thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đó; d) Trường hợp đang có tranh chấp về ranh giới thửa đất thì Đơn vị đo đạc có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết theo quy định của pháp luật đất đai và ranh giới thửa đất được đo đạc theo kết quả giải quyết tranh chấp đó. Trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong trong thời gian đo đạc ở địa phương thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng và đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng phần đất đang tranh chấp sử dụng đất thành hai (02) bản, một bản lưu hồ sơ đo đạc, một bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết.  Theo nội dung hướng dẫn trên, nếu trước đó thửa đất của gia đình anh Sơn đã được đo đạc hồ sơ địa chính và đã có bản đồ địa chính thì khi cấp Giấy chứng nhận sẽ căn cứ vào thông tin trong hồ sơ địa chính để cấp. Nếu thửa đất chưa được đo vẽ bản đồ địa chính, hoặc đã được đo vẽ nhưng hiện trạng sử dụng khác với bản đồ đo vẽ thì khi cấp Giấy chứng nhận sẽ tiến hành đo vẽ lại. Việc lấy chữ ký xác nhận không có tranh chấp là công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận, cụ thể đó là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên môi trường cấp quận huyện. Bản thân gia đình anh Sơn không có trách nhiệm đi xin chữ ký của người hàng xóm. Nếu người hàng xóm không hợp tác giúp đỡ thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ làm thủ tục niêm yết thông báo ba lần trong 10 ngày. Hết thời hạn đó sẽ tiếp tục tiến hành việc cấp Giấy chứng nhận theo nội dung hướng dẫn tại Thông tư 09/2007 nêu trên. Trong quá trình giải quyết, nếu anh Sơn thấy rằng việc làm của cơ quan hành chính không đúng, xâm phạm quyền lợi của gia đình thì có thể làm đơn khiếu nại tới Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, yêu cầu giải quyết theo quy định pháp luật.   Câu 2: Bác Lê Quang Chìu ở số nhà 01, ngõ 62 đường Triệu Việt Vương, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình có thư viết: Tôi có mua 2 gian nhà quay hướng đông, có ngõ đi trước mặt. Năm 1998 thành phố đem máy về đo, tính diện tích cho nhà tôi là 198,7m2. Đến năm 2005, dãy tôi ở lại quay ngõ về đằng sau nhà tôi, tức là hướng tây, cắt vào vườn nhà tôi 2m để mở rộng đường. Nay tôi có điều kiện làm sổ đỏ thì địa chính phường đo nhà tôi chỉ còn 175m2 trong khi từ trước đến nay tôi vẫn đóng thuế là 198m2. Nhà cạnh tôi đã lấy hết ngõ đi, bịt cổng, nhà tôi ở trong vẫn còn lưu không đất ngõ cũ. Vậy tôi có được lấy phần đất ngõ cũ để bù vào cho đủ chỗ diện tích đất 198m2 khi làm sổ đỏ không?   Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời:  Bác Chìu mua nhà có ngõ đi trước mặt. Bác Chìu không nói rõ là nhà bác mua có được đi cùng ngõ đó hay không? Nếu có thì ngõ đó là lối đi chung, không thuộc quyền sở dụng của riêng một gia đình nào. Đến năm 2005 địa phương làm ngõ đi mới đã cắt vào vườn nhà bác 2m để mở rộng đường. Việc lấy đất này phải được xem xét bồi thường cho gia đình nhà bác Chìu theo quy định pháp luật về thu hồi đất. Phải có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải lên phương án bồi thường. Khi làm ngõ đi mới thì ngõ đi cũ đã bị gia đình hàng xóm chiếm cả, nay bác Chìu muốn rằng nhà bác sẽ thụ hưởng đất của lối đi cũ, bù cho đất lấy làm lối đi mới. Vấn đề này luật sư có ý kiến như sau; Thứ nhất: gia đình hàng xóm không có quyền tự nhiên lấy đi phần đất ngõ đi cũ. Đất lối đi cũ vẫn thuộc quyền sử dụng chung của các hộ sử dụng lối đi từ trước đó. Thứ hai: Nếu bác Chìu muốn đổi lấy phần đất lối đi cũ bù vào phần đất làm lối đi mới thì cần có sự trao đổi nhất trí của các hộ và chính quyền địa phương. Nếu không được thì bác sẽ được đền bù phần đất bị lấy đi làm lối đi mới, còn đất lối đi cũ vẫn thuộc quyền sử dụng chung.   Tuần 02: Câu 1: Thính giả Nguyễn Văn Thông ở thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội: Cách đây gần chục năm, tôi nghe đài xã nói là nhà nước có chính sách sửa sai thành phần các gia đình địa chủ và được trợ cấp 3 triệu đồng. Gia đình tôi là thành phần địa chủ, ruộng đất trâu bò đã bị tịch thu, những ông bà cán bộ ngày đó tới tịch thu tài sản của gia đình tôi đã xác nhận. Gia đình cùng hàng chục hộ khác làm đơn xuống UBND xã và được ông chủ tịch xem xét và bảo mang lên huyện nộp. Chúng tôi đã nộp ở huyện, lúc đó thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đó đến nay không có hồi âm. Vậy chúng tôi có được nhận tiền hỗ trợ không? Quy định của nhà nước về vấn đề này như thế nào?   Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Ngày 23/9/2004 UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6219/QĐ-UB về việc Trợ cấp cho các trường hợp bị trưng thu, trưng mua trong cải cách ruộng đất không có giấy tờ gốc; Ngày 29/9/2004 Sở Tài chính Hà Nội đã có Hướng dẫn số 3011 HD/STC-QLNS về việc Thực hiện trợ cấp cho các trường hợp bị trưng thu, trưng mua trong cải cách ruộng đất không có giấy tờ gốc. Theo nội dung văn bản trên thì mức trợ cấp là 03 triệu đồng/ một trường hợp, thời gian xem xét trợ cấp theo Quyết định số 6219/QĐ-UB đến hết ngày 31-3-2005. Như vậy tới nay đã hết thời hạn xem xét giải quyết trợ cấp cho các đối tượng trên. Đặc biệt đây là quyết định của UBND thành phố Hà Nội nên phạm vi giải quyết chỉ trong phạm vi thành phố Hà Nội. Thời điểm năm 2004, huyện Mê Linh nơi bác Thông cư trú chưa thuộc Hà Nội nên theo chúng tôi nhận thấy là không thuộc trường hợp được giải quyết. Nay nơi bác Thông thuộc Hà Nội, mà thời điểm trước bác đã cùng các hộ gửi hồ sơ của mình tới xã và huyện. Vậy bác Thông cần liên hệ tới UBND huyện Mê Linh và Sở tài chính Hà Nội hỏi về trường hợp của mình, để có câu trả lời dứt điểm xem có được bồi thường hay không?   Câu 2: Thính giả Vũ Xuân Cự ở thôn Khả Hữu, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội hỏi: Đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân từ thôn lên xã, lên huyện, lên thành phố theo quy định mỗi cấp là bao nhiêu ngày giải quyết? Nếu quá thời gian quy định mà cán bộ có trách nhiệm giải quyết lợi dụng chức quyền gây khó khăn thì có bị xử lý kỷ luật không?   Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: 1. Về khiếu nại: Luật khiếu nại, tố cáo quy định thời gian giải quyết khiếu nại như sau: (Điều 36) 1. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết. 2. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết thì phải bị xem xét xử lý kỷ luật. Người khiếu nại có quyền kiến nghị với cấp trên trực tiếp của người không giải quyết khiếu nại để xem xét xử lý kỷ luật người đó.” Điều 43 1. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết. ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết. 2. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết thì phải bị xem xét xử lý kỷ luật. Người khiếu nại có quyền kiến nghị với cấp trên trực tiếp của người không giải quyết khiếu nại để xem xét xử lý kỷ luật người đó.” 2. Về tố cáo: Theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 thì thời gian giải quyết tố cáo như sau: Điều 67 Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Điều 69 Trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết thì người tố cáo có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo; thời hạn giải quyết được thực hiện theo quy định tại Điều 67 của Luật này. Theo các quy định trên thì thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo là rất rõ ràng. Điều quan trọng theo luật sư là nội dung khiếu nại, tố cáo phải được trình bày rõ ràng, có chứng cứ, gửi tới đúng cơ quan có thẩm quyền trách nhiệm. Có như thế việc giải quyết khiếu nại, tố cáo mới khẩn trương nhanh chóng.   Tuần 03 Câu 1: Ông Hà Xuân Hữu - số nhà 3/2 Lý Tự Trọng, tổ 4, phường Tây Sơn, thành phố Plâyku, tỉnh Gia Lai: Tôi nhập ngũ tháng 8/1970 đến tháng 5/1994. Tôi bị án phạt tù 3 năm. Đến ngày 2/98/1995, tôi ra tù trở về đơn vị cũ là bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai, hưởng lương quân nhân chuyên nghiệp 7/10, khi xuất ngũ tôi có 25 năm 2 tháng phục vụ trong quân đội. Đến năm 2007, Chính phủ có nghị định 159, giải quyết chế độ cho quân nhân xuất ngũ đã có 20 năm trở lên được nghỉ hưu. Nhưng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai và phòng cán bộ quân khu 5 trả lời tôi là áp dụng theo hướng dẫn số 215 của liên cục Chính sách tài chính của Bộ Quốc phòng thì tôi không được nghỉ hưu. Vậy, trường hợp của tôi có được nghỉ hưu không? Cơ quan nào giải quyết?   Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Liên quan tới chính sách trợ cấp quân nhân, có một số văn bản như sau: 1. Nghị định 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/4/1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội đã phục viên xuất ngũ, theo đó Điều 2 quy định: Điều 2. 1. Đối tượng được thực hiện chế độ hưu trí hàng tháng quy định tại Điều 1 Nghị định này là quân nhân nhập ngũ từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước, có 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 01 tháng 4 năm 2000, thuộc một trong các trường hợp sau: a) Đã phục viên, xuất ngũ; b) Thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh hoặc từ trung tâm điều dưỡng thương binh đã về gia đình nhưng chưa được hưởng chế độ hưu trí. 2. Đối tượng không áp dụng: Những người vi phạm pháp luật đang thi hành án tù giam, xuất cảnh trái phép, những người đào ngũ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi hoặc bị toà án tuyên bố là mất tích không được thực hiện chế độ quy định tại Nghị định này.  2. Thông tư 69/2007/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 16/4/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/4/1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội đã phục viên xuất ngũ; 3. Nghị định số 11/2011/NĐ-CPngày 30 tháng 01 năm 2011 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/4/1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội đã phục viên xuất ngũ, theo đó Điều 2 sửa đổi: Điều 2. 1. Đối tượng được thực hiện chế độ hưu trí hàng tháng quy định tại Điều 1 Nghị định này là quân nhân nhập ngũ từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ quân đội, hiện không thuộc diện đang được hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng, thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 01 tháng 4 năm 2000; b) Thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh hoặc từ trung tâm điều dưỡng thương binh đã về gia đình trước ngày 01 tháng 4 năm 2000; c) Quân nhân chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng rồi thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; đã có quyết định chuyển ngành trước ngày 01 tháng 4 năm 2000 nhưng không thực hiện được hoặc quân nhân đã về địa phương mà chưa giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ; d) Quân nhân phục viên, xuất ngũ đi lao động hợp tác quốc tế hoặc được cử đi lao động hợp tác quốc tế về nước đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 01 tháng 4 năm 2000. 2. Đối tượng không áp dụng Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không được hưởng chế độ quy định tại Nghị định này thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Đào ngũ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi; b) Vi phạm pháp luật đang chấp hành án tù chung thân; đang thi hành án tù giam; bị kết án về một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia mà chưa được xóa án tích; c) Xuất cảnh trái phép hoặc đang bị tòa án tuyên bố là mất tích.”. 4. Thông tư 190/2011/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 07/11/2011 sửa đổi bổ sung Thông tư số 69/2007/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 16/4/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/4/1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội đã phục viên xuất ngũ; Bác Hà Hữu Xuân có thể tham khảo một số nội dung thông tin về đối tượng được hưởng trợ cấp như trên xem mình có thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hay không. Liên quan tới việc bác Xuân bị án phạt tù 3 năm, bác Xuân không cho luật sư biết về tội danh của bác là gì, do vậy có thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp hay không, bác Xuân có thể tự đối chiếu.   Câu 2: Ông Nguyễn Văn Sinh - xóm 10, xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam: Tôi đi bộ đội từ năm 1963 đến năm 1971, phục viên về xã Nhân Khang. Thời gian phục vụ quân đội là 9 năm. Tháng 10/1971, tôi được bầu vào ban quản trị HTX nông nghiệp, rồi làm phó chủ nhiệm HTX Nhân Khang. Đến tháng 10/1986 tôi về nghỉ không có 1 chế độ gì đãi ngộ. Với thời gian công tác trong quân đội và thời gian công tác như vậy, tôi có được hưởng chế độ gì hay không?   Luật Sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Năm 2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/4/1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội đã phục viên xuất ngũ. Như vậy đối chiếu về điều kiện thời gian, bác Sinh phục vụ trong quân đội 9 năm nên không thuộc diện được hưởng trợ cấp theo Nghị định 159. Từ năm 1971 đến năm 1986 bác Sinh đã có 15 năm phục vụ cho Hợp tác xã nông nghiệp. Khi bác về nghỉ không có chế độ gì, nội dung này bác cần liên hệ với UBND xã và HTX nông nghiệp để hỏi bởi vì chế độ này phụ thuộc vào ngân sách địa phương giải quyết.   Tuần 04 Câu 1: Bà Trần Thị Một - khu Quang Trung, thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh gửi thư tới LS Nguyễn Hồng Bách: Tôi có con trai là công nhân công ty mở than Mạo Khê, vào làm từ 1/6/1995 đến 25/8/2011 là 16 năm 2 tháng. Từ ngày 25/5 đến 7/6/2011, con tôi xin nghỉ phép năm 2011. Từ 8/6 đến 30/7, con tôi xin nghỉ không lương, giám đốc đã ký 3 giấy, mỗi giấy 15 ngày. Ngày 13/6/2011, con tôi có đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động ở công ty than Mạo Khê để xin đi làm ở công ty than Cẩm Phả. Công ty than Mạo Khê nhận đơn từ 13/6 để hồ sơ chờ 45 ngày mới giải quyết (đúng ra đến 28/7 được giải quyết nhưng đến 25/8 mới giải quyết). Công ty kết luận con tôi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật về việc báo trước, tiền trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động cũng không có. Sổ bảo hiểm xã hội con tôi đã nộp đến 30/8/2011 ở công ty than Mạo Khê, đến 30/10, con tôi đến công ty cũ xin sổ bảo hiểm nhưng công ty than Mạo Khê chưa trả. Mong LS cho lời khuyên   Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Thứ nhất: Về việc nghỉ không lương, đây là một chế định đã được quy định bởi Bộ luật lao động năm 1994. Theo đó con trai bác Một và phía sử dụng lao động là công ty than Mạo Khê hoàn toàn có thể thỏa thuận với nhau về thời gian nghỉ không hưởng lương. Điều 79 Bộ luật lao động quy định: Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương. Như vậy việc con trai bác Một nghỉ không hưởng lương đã được phía công ty chấp thuận bằng việc ký giấy phép là hợp pháp. Trong thời gian nghỉ không hưởng lương đó, con trai bác lại có đơn xin nghỉ việc và vì thời gian làm việc theo hợp đồng là không có thời hạn, do vậy con trai bác có nghĩa vụ thông báo trước 45 ngày theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Bộ luật lao động sửa đổi năm 2002. Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày Theo các thông tin bác Một cung cấp, chúng tôi thấy rằng con trai bác không vi phạm nghĩa vụ báo trước. Trên thực tế nếu phía chủ sử dụng lao động là công ty than Mạo Khê làm việc có trách nhiệm thì hai bên sẽ gặp gỡ, trao đổi với nhau để thống nhất phương án nghỉ việc. Nhưng do công ty than Mạo Khê vì lý do này khác cho rằng con trai bác không được hưởng trợ cấp thôi việc vì vi phạm thời gian báo trước và sổ bảo hiểm chậm trả. Con trai bác Một cần làm đơn khiếu nại gửi tới Giám đốc công ty than Mạo Khê, đề nghị giải quyết chế độ quyền lợi cho con bác theo đúng quy định pháp luật, trong đó bao gồm chế độ trợ cấp thôi việc, sổ bảo hiểm. Nếu Giám đốc công ty than Mạo Khê không giải quyết hoặc giải quyết không đúng sự thật, không đúng pháp luật thì con trai bác có quyền khiếu nại tới Chánh thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh hoặc khởi kiện ra tòa. Trình tự thủ tục khiếu nại lao động được quy định rõ tại Nghị định số 04/2005/NĐ-CP ngày 11/01/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về khiếu nại, tố cáo trong lao động.   Câu 2: Ông Hoàng Minh Hưng ở Ứng Hòa - Hà nội: Tôi nhập ngũ tháng 2/1970, tháng 10/1984, chuyển công nhân viên quốc phòng. Tháng 10/1991, tôi xin nghỉ đi giám định, xong không đủ 61% mất sức. Thời gian phục vụ của tôi là 21 năm 8 tháng nên đơn vị gợi ý và tôi đã làm đơn xin nghỉ hưởng chế độ trợ cấp 1 lần. Từ đó đến nay, sức khỏe tôi yếu không đi làm được gì, cuộc sống vô cùng vất vả. Tôi có được hưởng chế độ gì nữa không?   Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Theo thông tin bác Hưng cung cấp, luật sư hiểu rằng bác Hưng đã hưởng chế độ trợ cấp một lần khi nghỉ hưu năm 1991. Cho tới nay bác Hưng muốn hỏi xem trường hợp của bác có được hưởng thêm chế độ gì không với thời gian bác phục vụ trong quân đội là 21 năm 8 tháng? Năm 2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/4/1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội đã phục viên xuất ngũ. Đến năm 2011 Chính phủ ban hành Nghị định số Nghị định số 11/2011/NĐ-CPngày 30 tháng 01 năm 2011 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/4/1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội đã phục viên xuất ngũ, theo đó Điều 2 sửa đổi

Tin tức liên quan